Nghề nuôi ong “vốn ít, lợi nhuận khá”

Với diện tích rừng lớn, điều kiện môi trường và khí hậu phù hợp, nghề nuôi ong ở Cao Bằng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
0:00 / 0:00
0:00
Một “cầu” ong đủ tiêu chuẩn để thu hoạch mật.
Một “cầu” ong đủ tiêu chuẩn để thu hoạch mật.

Năm 2023, lần đầu tỉnh Cao Bằng có hai sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đó là mật ong Đoàn Linh, ở xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình và mật ong Hoàng Tung, ở xã Hoàng Tung, huyện Hòa An. Đây được xem là bước khởi đầu quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, nâng cao chất lượng thương hiệu, uy tín của các sản phẩm mật ong tại địa phương, từ đó, tiếp tục mở rộng thị trường.

Người phát triển, xây dựng thành công thương hiệu mật ong Đoàn Linh là chị Ma Thị Kim Oanh, ở xóm Giang Sơn, xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình. Chị Oanh chia sẻ, chị khởi nghiệp với vài đàn ong, rồi tích lũy kinh nghiệm qua các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, tìm hiểu trên mạng internet và vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Đến nay gia đình đã phát triển lên số lượng 100 đàn ong, mỗi năm thu được từ 800 đến 1.000 lít mật, giá bán 200 nghìn đến 250 nghìn đồng/lít tùy loại mật; thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Nhiều gia đình ở xóm Tài Hồ Sìn, xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, đầu tư nuôi ong, thu mật, phục vụ sinh hoạt gia đình, làm quà và tiêu thụ ở thị trường nội địa, giúp cải thiện, nâng cao thu nhập. Ông Hoàng Văn Sự, xóm Tài Hồ Sìn chia sẻ, nghề nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư cao, khoảng 1 triệu đồng/thùng ong. Những năm thời tiết thuận lợi, một thùng ong cho thu hoạch khoảng 10 lít mật, mang lại thu nhập khoảng 2 triệu đồng/vụ/thùng.

Hiện ở Cao Bằng có hàng nghìn hộ nông dân duy trì, phát triển nghề nuôi ong ở 10/10 huyện, thành phố. Theo Hội Làm vườn tỉnh Cao Bằng, bên cạnh các hộ nuôi ong nhỏ lẻ, tại địa phương có chín hợp tác xã, câu lạc bộ nuôi ong tập hợp những người cùng sở thích giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nuôi ong, đầu tư phát triển nuôi ong theo chiều sâu, mang lại thu nhập khá.

Theo Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nguyễn Sinh Cung, với tiềm năng, nghề nuôi ong ở Cao Bằng phát triển chưa tương xứng. Đơn cử như một số hạn chế như, lực lượng nuôi chưa có kinh nghiệm, trong khi số người đang làm nghề nuôi ong phần lớn có tuổi, chưa có nhiều thế hệ thanh niên, lớp trẻ “đam mê, yêu” nghề nuôi ong.

Gần đây, Đoàn thanh niên các cấp cần nghiên cứu, tổ chức tuyên truyền, vận động và tổ chức tập huấn, hỗ trợ, phát triển nghề nuôi ong, nâng cao thu nhập, tiến tới làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Mặt khác, ngành nông nghiệp địa phương cần xem xét, tham mưu cho tỉnh, triển khai chương trình hỗ trợ cải tạo vườn tạp, vừa giúp nông dân phát triển diện tích cây ăn quả, vừa làm phong phú nguồn hoa cho ong hút mật, thụ phấn, tạo tiền đề phát triển nghề nuôi ong.

Thời gian tới, các địa phương trong tỉnh cần quan tâm sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ người dân mở rộng, phát triển nghề nuôi ong.

Theo thống kê đến nay, tại Cao Bằng, mới có hai sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP, mỗi địa phương cần quan tâm hỗ trợ phát triển nghề nuôi ong. Trên cơ sở đó xây dựng các thương hiệu mật ong OCOP gắn với điểm đến du lịch, thí dụ như mật ong rừng Trần Hưng Đạo, mật ong Kolia... tạo thêm các sản phẩm du lịch, phục vụ du khách.