Tình trạng bạo lực học đường hiện diễn ra rất phức tạp, xảy ra ở trong và ngoài nhà trường, gây nhức nhối cho ngành giáo dục. Các hành vi bao gồm bạo lực về thể chất, bạo lực về lời nói, bạo lực tinh thần.
Phần lớn các vụ bạo lực học đường xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt thường ngày như hiểu lầm, va chạm trong lúc chơi đùa, nói xấu nhau trên mạng xã hội… Phần lớn học sinh bị bạo lực chưa đủ kỹ năng để ứng phó và giải quyết các tình huống xảy ra dẫn đến nhiều vụ việc để lại hậu quả rất nghiêm trọng.
Phần lớn các vụ bạo lực học đường xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt thường ngày như hiểu lầm, va chạm trong lúc chơi đùa, nói xấu nhau trên mạng xã hội… Phần lớn học sinh bị bạo lực chưa đủ kỹ năng để ứng phó và giải quyết các tình huống xảy ra dẫn đến nhiều vụ việc để lại hậu quả rất nghiêm trọng.
Điều đáng nói, khi chứng kiến những hành vi bạo lực, nhiều học sinh không can ngăn mà sử dụng điện thoại di động để quay phim đưa lên mạng xã hội.
Theo các chuyên gia tâm lý, khi xảy ra tình trạng bạo lực học đường, tùy theo mức độ mà có cách xử lý khác nhau. Nhưng điều quan trọng nhất là cần có sự chung tay của toàn xã hội, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội để xây dựng môi trường giáo dục nhà trường lành mạnh, không bạo lực, tạo điều kiện cho học sinh được phát triển toàn diện.
Ðể ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước chấm dứt tình trạng bạo lực học đường, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã và đang thực hiện các giải pháp, như lồng ghép tích hợp các nội dung về giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như môn Giáo dục công dân, Tự nhiên và Xã hội, hoạt động trải nghiệm...
Bộ xây dựng "Cẩm nang pháp luật và kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục" dành cho các cơ sở giáo dục phổ thông; Sổ tay an ninh trật tự, an toàn trường học; Tài liệu hướng dẫn xử lý tình huống mâu thuẫn trong học sinh phổ thông và nhiều tài liệu hướng dẫn khác…
Qua sự việc đau lòng ở tỉnh Nghệ An, ngành giáo dục các địa phương cần tiếp tục chú trọng nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm. Về phía các nhà trường, cần tăng cường phối hợp với gia đình học sinh; phát huy vai trò của gia đình trong quản lý giáo dục con em mình; thường xuyên thông tin hai chiều giữa nhà trường và gia đình học sinh về hoạt động của nhà trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường để phối hợp triển khai các biện pháp giáo dục học sinh.
Các trường học cần thường xuyên hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ. Các cơ sở giáo dục xây dựng và củng cố, nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò của các phòng tư vấn tâm lý; phối hợp các chuyên gia tâm lý tổ chức các buổi tọa đàm, truyền đạt kiến thức về bạo lực học đường và cách phòng tránh. Các thầy giáo, cô giáo thường xuyên quan tâm, theo dõi và nắm bắt tình hình, nhất là tâm lý của học sinh, có biện pháp can ngăn, giáo dục kịp thời đối với những hiện tượng có nguy cơ dẫn đến bạo lực học đường.
Về phía gia đình học sinh cũng cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt tình hình học tập của con; đồng thời, quan tâm, lắng nghe, khuyến khích con nói lên cảm xúc, suy nghĩ của con để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất ổn về tâm lý và can thiệp sớm ngăn chặn những hành vi bạo lực, tránh để xảy ra những sự việc đáng tiếc, giúp các con có môi trường học tập an toàn và hiệu quả ■