Những thông tin, clip về các vụ đánh nhau của học sinh được chia sẻ trên các trang mạng xã hội trong thời gian qua đã và đang khiến dư luận lo ngại và phẫn nộ về sự gia tăng cùng tính chất côn đồ, hung hãn của đối tượng gây ra các vụ bạo lực học đường. Nạn nhân trong các vụ việc thường là một người, bị một nhóm học sinh dùng chân tay đấm đá, cá biệt có vụ dùng hung khí (dao), mũ bảo hiểm... gây thương tích.
Một số vụ, người xem quay lại video, chia sẻ rộng rãi hoặc phát livestream trên Facebook, gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, cuộc sống của nạn nhân, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video dài khoảng 3 phút ghi lại cảnh hai nữ sinh tại Quảng Trị đánh bạn học khiến người xem không khỏi giật mình. Khi hai học sinh lớp 8 đánh, nữ sinh lớp 7 chỉ ôm mặt chịu trận.
Điều đáng nói, nhiều học sinh chứng kiến, tuy nhiên không ai can ngăn, thậm chí còn cổ vũ. Clip sau khi đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người xem tỏ ra bức xúc, phẫn nộ trước hành động của hai nữ sinh lớp 8. Sau khi vụ việc xảy ra, ba mẹ, ông bà của hai nữ sinh lớp 8 đã xin lỗi chính quyền, nhà trường, nhất là gia đình bị hại, mong tất cả mọi người cho con có cơ hội sửa sai.
Còn tại Hà Nội, xuất phát do mâu thuẫn liên quan tin nhắn trên mạng xã hội, một nữ sinh Trường THCS tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội), bị đánh hội đồng và tung lên mạng xã hội. Trường hợp một nữ sinh THCS bị nhóm học sinh khác đánh “hội đồng” cũng diễn ra tại quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng ngay đầu tháng 3. Những sự việc này khiến rất nhiều phụ huynh lo lắng về văn hóa ứng xử của học sinh trong nhà trường.
Có thể nhận thấy, tình trạng bạo lực học đường hiện nay đang diễn ra phức tạp, chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt thường ngày mà các em đã ứng xử với nhau thiếu lòng nhân ái, trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam. Không chỉ là các em học sinh nam đánh nhau, mà còn xảy ra khá nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau hội đồng, với những cử chỉ thô bạo, nhiều vụ việc đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.
Anh Nguyễn Trung (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, những vụ bạo lực học đường xảy ra gần đây cho thấy tính chất rất nghiêm trọng, đáng báo động. Ở một số vụ việc, các em không những không can ngăn mà còn sử dụng điện thoại di động để quay video clip, phát tán trực tiếp lên mạng xã hội. Điều này cho thấy sự lệch lạc trong suy nghĩ, hành động của học sinh hiện nay, cần được giáo dục, chấn chỉnh kịp thời. Cũng theo anh Trung, xảy ra tình trạng bạo lực học đường có trách nhiệm của gia đình khi chủ quan, buông lỏng trong quản lý con em mình.
Theo chuyên gia tâm lý, hiện tượng bạo lực học đường không phải là mới, xong thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra liên tục hơn trong các trường học, bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Đáng lo ngại hơn là lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản như va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học, mâu thuẫn nói xấu nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội.
Vấn nạn bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối trong văn hóa ứng xử ở môi trường sư phạm vốn lâu nay vẫn được nhìn nhận là rất nhân văn và thân thiện. Dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” song những hậu quả để lại kéo theo những hệ lụy khó lường cho xã hội. Trước thực trạng này, được biết, Nhà nước đã ban hành khá đầy đủ các văn bản pháp luật có quy định về việc phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật nói chung và phòng, chống bạo lực học đường nói riêng…
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực, chủ động triển khai các giải pháp để phòng ngừa và đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường. Theo đó, Bộ đã chỉ đạo cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, gia đình học sinh và cộng đồng về phòng, chống bạo lực học đường, phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường...
Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế, việc triển khai các quy định này còn gặp không ít khó khăn như: Cơ sở vật chất ở nhiều nơi thiếu những hạng mục tối thiểu để bảo đảm an toàn cho học sinh; công tác tuyên truyền bị hạn chế do thời lượng bị cắt giảm; việc tổ chức hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm cho học sinh thiếu cả về không gian, thời gian và kinh phí tổ chức. Thậm chí, ở một số nơi thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự tham gia phối hợp của các lực lượng xã hội với nhà trường…
Để ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước chấm dứt tình trạng bạo lực học đường rất cần sự “chung tay, vào cuộc” của toàn xã hội, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội. Cụ thể, các cơ quan quản lý nhà nước cần thắt chặt kiểm soát những thông tin, nội dung đăng tải trên internet, những phim ảnh và trò chơi lưu hành ngoài thị trường, những hội nhóm được thành lập với mục đích lôi kéo giới trẻ.
Chính quyền địa phương cần chủ động làm trong sạch môi trường xã hội chung quanh các cơ sở giáo dục trên địa bàn cũng như phát huy vai trò của các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể tại chỗ trong phối hợp với nhà trường và gia đình quản lý và giáo dục học sinh cá biệt, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Nhà trường cần chủ động trong việc trao đổi thông tin với gia đình học sinh để có thể nắm bắt tình hình cũng như biểu hiện của học sinh. Mặt khác, cần chú trọng giảng dạy một số môn học như kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống, giáo dục công dân, trang bị kiến thức đúng đắn cho học sinh về hành động đẹp, tăng cường tinh thần trách nhiệm cũng như ý thức đấu tranh đẩy lùi bạo lực học đường.