Ngăn chặn hàng giả nhập lậu qua giao dịch thương mại điện tử

Trong những năm qua, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số Việt Nam, tạo động lực phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do hành lang pháp lý về chính sách, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử chưa hoàn thiện, nên công tác quản lý hoạt động này gặp nhiều khó khăn. Thông tin được đưa ra tại tọa đàm "Cải cách hải quan, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới" vừa tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tại cảng Cát Lái (thành phố Thủ Ðức).
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tại cảng Cát Lái (thành phố Thủ Ðức).

Vướng mắc quản lý hàng lậu xuyên biên giới

Theo khảo sát của Bộ Công thương năm 2022, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước tính cả năm tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Sáu tháng đầu năm 2023, doanh số thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Ông Ðỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết: "Bên cạnh sự phát triển tích cực của thương mại điện tử, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách".

Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo 389, trong những tháng đầu năm 2023, các bộ, ngành, địa phương, tiếp tục xử lý nhiều vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu. Trong sáu tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 66.049 vụ việc vi phạm (tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, phát hiện, bắt giữ 61.057 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 20,55% so với cùng kỳ); 2.773 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (tăng 174,01%); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.560,609 tỷ đồng (tăng 76,23%); khởi tố hình sự 1.166 vụ/1.610 đối tượng.

Phó Cục trưởng Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Bắc Hải, nêu thực tế: "Mặc dù thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ nhưng Việt Nam chưa có các quy định riêng về chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử, vì vậy, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử thường được thực hiện tùy theo phương thức vận chuyển".

Cũng theo ông Nguyễn Bắc Hải, khó khăn trong công tác phòng chống buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử: Thứ nhất, đối tượng buôn lậu sử dụng việc liên lạc, trao đổi, thỏa thuận thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử gây khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh làm rõ vi phạm. Khi cơ quan hải quan phát hiện vi phạm thì những đối tượng này lại thông đồng với nhau dưới các hình thức "gửi nhầm hàng, từ bỏ"… nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Thứ hai, các vụ vi phạm liên quan đến giao dịch thương mại điện tử thường liên quan đến yếu tố nước ngoài. Do đó, nhiều nội dung cần xác minh làm rõ nhưng đối tượng liên quan đến vụ việc lại ở nước ngoài phụ thuộc vào sự thiện chí hợp tác của cơ quan hải quan nước bạn. Ðiều này ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh và xử lý vi phạm liên quan đến giao dịch thương mại điện tử. Thứ ba, các giao dịch do các bên ký kết thông qua hình thức giao dịch điện tử gây khó khăn cho công tác giám định, đánh giá chứng cứ. Các đối tượng vi phạm đã làm giả nhiều hồ sơ, chứng từ, tài liệu để thực hiện các vi phạm, gây khó khăn cho công tác giám định, đánh giá chứng cứ trước khi đưa ra quyết định xử lý.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Ông Nguyễn Bắc Hải cho biết, nhận thấy sự cần thiết trong việc đổi mới chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại Quyết định số 431/QÐ-TTg ngày 27/3/2020.

Tại Quyết định phê duyệt Ðề án, Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử. Hiện dự thảo đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ ký ban hành. Từ những phân tích trên nhận thấy, Việt Nam cần thiết phải đổi mới chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

Ðể giải quyết những thách thức trong công tác quản lý hàng hóa giao dịch điện tử xuyên biên giới, ông Ðỗ Hồng Trung cho biết, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ trong kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử; phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật nhà nước, tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật, tham gia chống vi phạm gian lận thương mại trong hoạt động thương mại điện tử. Ðồng thời, người dân và doanh nghiệp cần phối hợp với các cơ quan chức năng để chia sẻ thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật trong thương mại điện tử. Ðối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước, cần phải bảo vệ thương hiệu bằng cách đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của doanh nghiệp mình, sử dụng công nghệ chống giả, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trên bao bì giúp người tiêu dùng dễ dàng xác minh sản phẩm chính hãng.

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số (Bộ Công thương) cho rằng: "Việc quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị quản lý ngành như quản lý thị trường, quản lý doanh nghiệp, quản lý thuế...". Ngoài ra, nhằm hoàn thiện hơn nữa hạ tầng pháp luật cho hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng, Bộ Công thương đang được giao chủ trì xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2023, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ðồng thời, Bộ Công thương cũng sẽ sửa đổi Nghị định số 98/2020/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó bổ sung chế tài đối với các sàn giao dịch thương mại điện tử không thực hiện trách nhiệm với người tiêu dùng khi có tranh chấp xảy ra giữa người tiêu dùng và người bán nước ngoài ■