Tại các cửa khẩu, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục tiềm ẩn, diễn biến phức tạp. Trong 10 tháng năm 2023, toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 14.141 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 5.692 tỷ đồng. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 430 tỷ đồng. Riêng hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, từ năm 2022 đến nay, lực lượng hải quan đã phát hiện, xử lý gần 100 vụ với tổng trị giá hàng hóa hơn 18 tỷ đồng.
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, số vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2023 là hơn 4.000 vụ, tăng hơn 126% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có nhiều vụ việc đã được chuyển cho cơ quan công an khởi tố với tội danh liên quan sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) Trần Văn Dũng cho biết: Theo dữ liệu Hệ thống xử lý vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường (INS), các nhóm hành vi về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ có chiều hướng tăng. Hàng hóa vi phạm tập trung chủ yếu vào các loại hàng có thương hiệu nổi tiếng, được người tiêu dùng ưa chuộng, các loại mặt hàng thiết yếu như thời trang may mặc, dược phẩm, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, xăng, dầu...
Ðáng chú ý, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và luôn thay đổi. Theo phân tích của ông Dũng, sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua cũng kéo theo hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan trên các nền tảng giao dịch trực tuyến, các mạng xã hội xuyên biên giới.
Các đối tượng kinh doanh online lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng). Thậm chí, một số đối tượng còn thuê các cá nhân có sức ảnh hưởng, nổi tiếng để livestream bán hàng cho mình, từ đó, có thể chốt hàng nghìn đơn mỗi ngày.
Phó Ðội trưởng Ðội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Ðội 4) thuộc Cục Ðiều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Vũ Hoài Linh cho biết: Cơ quan hải quan đã tiếp nhận, cập nhật danh sách các nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu tại biên giới để triển khai công tác kiểm soát, quản lý rủi ro của đơn vị đối với các nhãn hiệu.
Riêng năm 2022, Cục Ðiều tra chống buôn lậu tiếp nhận và theo dõi, xử lý số lượng 272 đơn đề nghị về kiểm tra, giám sát hàng hóa có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Thông qua việc triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan hải quan đã kịp thời phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vi phạm liên quan hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, công tác đấu tranh chống buôn lậu hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan còn những khó khăn, vướng mắc như: Các quy định của pháp luật còn bất cập; việc xử lý hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quá cảnh, xuất khẩu, Luật Hải quan và Luật Sở hữu trí tuệ quy định chưa thống nhất về việc tạm dừng làm thủ tục hải quan và xử lý đối với các hàng hóa vi phạm; việc xử lý hình sự liên quan sở hữu trí tuệ chưa thực hiện được vụ nào, vì theo Ðiều 192 của Bộ luật Hình sự, chỉ áp dụng cho hành vi sản xuất hàng giả, buôn bán hàng giả, không áp dụng cho hàng giả về sở hữu trí tuệ.
Từ những bất cập nêu trên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh với tội phạm buôn lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, đại diện lãnh đạo Ðội 4 kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để tạo sự thống nhất trong việc áp dụng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng hải quan đối với hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân, doanh nghiệp chung tay phòng chống buôn lậu trong đó có hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.