Ngăn chặn buôn lậu, gian lận trong hoạt động thương mại điện tử

Thời gian gần đây, các đối tượng buôn lậu, gian lận trong thương mại điện tử không chỉ bán hàng trên các trang website mà còn mở rộng hoạt động kinh doanh bán trên các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, TikTok, Instagram, YouTube…
0:00 / 0:00
0:00
 Lực lượng Quản lý thị trường thành phố kiểm tra cửa hàng kinh doanh thuốc lá điện tử. (Ảnh CTV)
Lực lượng Quản lý thị trường thành phố kiểm tra cửa hàng kinh doanh thuốc lá điện tử. (Ảnh CTV)

Trên không gian mạng, nhiều đối tượng quảng cáo hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí lừa đảo người tiêu dùng. Hoạt động thương mại điện tử có tính chất không biên giới, các đối tượng tìm cách khác nhau để đưa hàng cấm, hàng lậu, hàng giả vào nội địa để tiêu thụ thông qua hình thức vận chuyển quốc tế.

Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2023, lực lượng quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra và phát hiện 77 vụ vi phạm. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không công bố đầy đủ hoặc công bố không chính xác trên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng thông tin về chủ sở hữu website, thông tin hàng hóa, thông tin về giá cả, thông tin vận chuyển và giao nhận, thông tin các phương thức thanh toán theo quy định…

Trong sáu tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra, xử lý 54 vụ vi phạm có liên quan đến thương mại điện tử. Tại các vụ việc vi phạm này, cơ quan chức năng còn xử lý các hành vi vi phạm khác như kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu; tạm giữ hơn 14.100 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử và phụ kiện, hàng điện tử, thực phẩm, đồng hồ, hàng thời trang, vàng trang sức... trị giá hơn 4,3 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã xử phạt với số tiền là hơn 1,18 tỷ đồng, thu giữ tang vật vi phạm và xử lý theo quy định.

Điển hình, ngày 13/5, từ việc giám sát hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, Đội Quản lý thị trường số 18 đã phát hiện, kiểm tra và trình cấp có thẩm quyền xử phạt đối với doanh nghiệp tư nhân My Dung, địa chỉ tại số 134/2 đường Nguyễn Ảnh Thủ, ấp Trung Chánh 1, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là vàng trang sức thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; số tiền phạt là 100 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm.

Trước đó, ngày 13/3, Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), kiểm tra hộ kinh doanh Lê Quốc Thái, địa chỉ tại số 374 đường Tân Sơn Nhì, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú và số 64/18 đường Nguyễn Cảnh Chân, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, phát hiện tại đây đang kinh doanh 10.266 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử các loại, phụ kiện và tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ trị giá hơn 3,7 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã xử phạt số tiền 105 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Theo Cục Quản lý thị trường thành phố, “chiêu thức” để che mắt lực lượng chức năng mà các đối tượng thường sử dụng là duy trì cùng lúc nhiều tài khoản trên các sàn thương mại điện tử để ngay lập tức có thể thay đổi tài khoản hoạt động. Các giao dịch, thanh toán trên mạng sẽ bị các đối tượng hủy, xóa dấu vết rất nhanh, gây khó khăn cho việc phát hiện, kiểm tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, xử lý của cơ quan chức năng.

Một số tổ chức, cá nhân kinh doanh thực tế tại địa phương này nhưng đăng ký thương mại điện tử tại địa phương khác hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác đứng tên, gây khó khăn cho công tác thẩm tra, xác minh đối tượng vi phạm. Đa số các đối tượng không bán hàng hóa trực tiếp mà chỉ giao hàng online thông qua các đơn vị vận chuyển hàng hóa (Grab, Lalamove, Viettel Post, Go Jek...). Việc thẩm tra, xác minh để xác định hành vi, dấu hiệu vi phạm, quy mô, số lượng hàng hóa vi phạm gặp rất nhiều khó khăn nên việc quản lý đối với các tài khoản bán hàng online, livestream có máy chủ đặt tại nước ngoài như Google, Viber, Facebook, TikTok đối với các cơ quan quản lý là rất khó khăn.

Để kịp thời phát hiện vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, thời gian tới, Cục Quản lý thị trường thành phố sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp các cơ quan liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu… chống thất thu thuế; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm.

Lực lượng quản lý thị trường thành phố sẽ kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa và hóa đơn, chứng từ kèm theo tại các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng, các cảng và rà soát thông tin thanh toán qua các dịch vụ thu hộ (COD) của các đơn vị chuyển phát; tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với các đơn vị này; đồng thời, chủ động phối hợp với Sở Công thương thành phố yêu cầu các sàn thương mại điện tử nâng cao trách nhiệm trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Song song đó, cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, rà soát, phân loại danh sách các website, ứng dụng thương mại điện tử kinh doanh các nhóm mặt hàng như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền và nhóm các mặt hàng giả mạo nhãn hiệu sở hữu trí tuệ xuất hiện nhiều trên mạng như quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ,... và các nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện khác...

Phát biểu tại cuộc họp mới đây với Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 thành phố cần phối hợp chặt chẽ, đấu tranh có hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong nội địa, nhất là tập trung kiểm tra, kiểm soát các đường dây buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Dũng cũng đề nghị bốn cơ quan chủ lực chống buôn lậu của thành phố gồm: Hải quan, Công an, Bộ đội Biên phòng và Quản lý thị trường cần có sự phối hợp thật nhịp nhàng để điều tra, xử lý triệt để các vụ buôn lậu, gian lận thương mại.