Cần có chính sách để triển khai di dời nhà trên kênh, rạch

Việc di dời nhà trên và ven kênh, rạch, luôn được thành phố đặc biệt quan tâm, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Song, theo chính quyền các địa phương, khó khăn lớn nhất khi triển khai là nguồn lực tài chính và công tác tái định cư.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến rạch Ụ Cây, Quận 8 được cải tạo và chỉnh trang, góp phần thay đổi diện mạo đô thị và cuộc sống của người dân.
Tuyến rạch Ụ Cây, Quận 8 được cải tạo và chỉnh trang, góp phần thay đổi diện mạo đô thị và cuộc sống của người dân.

Hàng nghìn căn nhà hình thành trên kênh, rạch

Qua khảo sát, Quận 8 có khoảng 12.400 căn nhà nằm trên và ven kênh, rạch trải đều tất cả 16 phường với hơn 52.500 nhân khẩu. Trong đó, có khoảng 6.399 trường hợp trên bờ, 3.913 trường hợp có một phần trên bờ, một phần trên kênh, rạch và 2.077 trường hợp nhà nằm hoàn toàn trên kênh, rạch.

Cuối năm 2023, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua chủ trương đầu tư dự án cải tạo bờ bắc kênh Đôi với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách gần 5.000 tỷ đồng, giải tỏa và di dời 1.500 hộ dân trên và ven kênh, rạch. Đây cũng là dự án mà chính quyền địa phương và người dân mong mỏi thực hiện nhiều năm qua.

Đại diện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 8 cho hay: Gần 90% số hộ dân của dự án bờ bắc kênh Đôi không có giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất. Đồng thời, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nguồn gốc là sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước đã lấn, chiếm và tự chuyển mục đích sử dụng đất cho nên chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với nhà trên và ven kênh, rạch rất thấp.

Bà Nguyễn Thị Hồng (Phường 14) đang dùng chiếc áo mưa che tạm phần tôn bị mục bên trong vách tường căn nhà khoảng 10 m2, lo lắng: “Vừa rồi xảy ra vụ nhà cháy tôi lo quá không biết lâu dài việc di dời nhà trên kênh như thế nào để người dân không phải thấp thỏm lo âu. Chúng tôi chỉ mong sẽ sớm thoát cảnh ở nhà tạm bợ, ô nhiễm môi trường”.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 8 Trần Thanh Tùng chia sẻ: Với tiến độ dự án bờ bắc kênh Đôi triển khai vào cuối năm 2024, hoàn thành năm 2028, quận đang tích cực thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm thực hiện bồi thường. Tiêu chí xây dựng chính sách của quận là đối với các hộ không đủ điều kiện tái định cư, nhưng có thu nhập thấp thì đề xuất thành phố tăng mức hỗ trợ; đồng thời, có cơ chế giải quyết cho thuê, mua nhà ở xã hội.

Tại quận Bình Thạnh, Ủy ban nhân dân quận đang tập trung thực hiện công tác thu nhập, kiểm đếm và đo vẽ đối với dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm với 2.085 trường hợp bị thu hồi đất. Dự thảo chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đang được Ủy ban nhân dân quận lấy ý kiến từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận trước khi công bố lấy ý kiến đối với các hộ dân, tổ chức thuộc phạm vi đền bù, giải tỏa của dự án.

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt đầu tư từ tháng 10/2023. Dự án đi qua hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp, có chiều dài 8,2 km với tổng mức đầu tư 9.664 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh Đinh Khắc Huy, đây là dự án chỉnh trang đô thị lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn quận, góp phần thay đổi diện mạo của địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Do đó, quận cần phải chuẩn bị kỹ cho công tác khảo sát, điều tra xã hội học, nhằm xây dựng phương án bồi thường phù hợp nhất cho các trường hợp bị giải tỏa, thu hồi đất. Trong đó, quận quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách đền bù, tái định cư theo hướng bảo đảm quyền lợi cho người dân có nhà trên kênh rạch, giấy tờ pháp lý chưa hoàn thiện để làm sao người bị thu hồi đất có đủ kinh phí tạo lập chỗ ở mới, chỗ ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ.

Ngoài ra, quận đề xuất thành phố sớm giải quyết thủ tục để khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội trên địa bàn quận (số 4, Phan Chu Trinh, phường 12), quy mô 850 căn để có quỹ nhà bố trí tái định cư cho hộ dân của dự án rạch Xuyên Tâm.

Tính toán chính sách bồi thường nhà trên kênh, rạch

Theo Sở Xây dựng thành phố, đến cuối năm 2023, thành phố đã bồi thường, di dời được gần 700/6.500 căn nhà ven và trên kênh, rạch. Dự kiến, đến hết năm 2025 sẽ bồi thường, di dời 4.250/6.500 căn (đạt tỷ lệ 65% chỉ tiêu đề ra); trong đó, có bảy dự án dự kiến hoàn thành công tác di dời trước ngày 30/4/2025.

Sở này cũng cho biết, hiện nguồn vốn ngân sách của thành phố dành cho chương trình di dời rất hạn chế, không đủ so với nhu cầu. Ngoài ra, công tác bồi thường chậm, làm dự án kéo dài vì đa số nhà trên và ven kênh, rạch đều thuộc diện nhà không có pháp lý về quyền sử dụng đất, nhà lấn chiếm.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Huỳnh Thanh Khiết cho hay: Hiện nay, thành phố còn khoảng hơn 10 nghìn căn nhà trên kênh, rạch tập trung ở Quận 8, Quận 4 và rải rác trên một số kênh, rạch ở các quận, huyện của thành phố. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, di dời, giải tỏa khoảng 6.500 căn, trước mắt thành phố đang chuẩn bị di dời trên 2.000 căn nhà nằm trong các dự án trọng điểm như dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương-Bến Cát-Nước Lên, dự án bờ bắc kênh Đôi...

Cũng theo ông Khiết, đối với công tác di dời, giải tỏa nhà ở trên kênh, rạch, thành phố bố trí kinh phí chủ yếu từ ngân sách. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay đối với những người có nhà ở trên kênh, rạch là nhà ở trên mặt nước cho nên không có quy định bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước. “Chính vì vậy, các sở, ngành đang xin thành phố chủ trương, cơ chế để có hướng giải quyết cho các đối tượng này, vì họ không đủ điều kiện để bố trí tái định cư, cũng như không đủ điều kiện để được nhận bồi thường”, ông Khiết chia sẻ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 8 Trần Thanh Tùng cho biết: Quận cũng xây dựng chính sách bồi thường đặc thù trình thành phố cho các trường hợp nhà trên kênh, rạch, nhằm tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân bị giải tỏa, di dời. Như vậy, người dân dễ đồng thuận, cùng địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện di dời, nhanh chóng tổ chức chỉnh trang đô thị.

Tiến sĩ Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Việc chỉnh trang đô thị từ nhà ở ven và trên kênh, rạch rất khó thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, khó kêu gọi nhà đầu tư tham gia, cho nên thành phố xác định vốn ngân sách vẫn là chủ yếu. Mặt khác, thành phố chịu trách nhiệm xây dựng nhà ở xã hội để bảo đảm công tác tái định cư cho người dân theo phương châm nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ.

Ngoài ra, Nghị quyết 98 cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, mở ra nhiều cơ hội để thành phố huy động nguồn lực đầu tư dự án giải tỏa di dời nhà ở trên và ven kênh, rạch. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi, để từ nay đến năm 2025 có thể di dời được 4.000 căn nhà trên kênh, rạch, thành phố cần tập trung, nghiên cứu chính sách để triển khai công tác này; cần phải có cơ chế kích cầu như cho vay không lãi suất cho các nhà đầu tư vì sự phát triển và thay đổi diện mạo chung của thành phố.