Quyết liệt với tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công

Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công tại Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là đáng lo ngại khi hết tháng 5/2024 mới đạt 14%. Nhiều giải pháp quyết liệt đã được thành phố thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao.
0:00 / 0:00
0:00
Nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ được rào chắn để làm hầm chui (hướng Quận 7 đi Nhà Bè và ngược lại). (Ảnh Thế Anh)
Nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ được rào chắn để làm hầm chui (hướng Quận 7 đi Nhà Bè và ngược lại). (Ảnh Thế Anh)

43 dự án không có khả năng giải ngân

Theo kế hoạch, năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh cần giải ngân 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, hết tháng 5, thành phố mới giải ngân được khoảng 11.000 tỷ đồng, thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra là giải ngân 12.000 tỷ đồng/tháng.

Ðáng chú ý, có 43 dự án với tổng vốn hơn 3.100 tỷ đồng được các chủ đầu tư xác định không thể giải ngân trong năm 2024 do vướng mắc thủ tục ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư; 193 dự án với tổng vốn 28.500 tỷ đồng đang gặp khó khăn, vướng mắc, cần đẩy nhanh thủ tục để giải ngân.

Nguyên nhân là do vướng mắc thủ tục, quy hoạch và bồi thường giải phóng mặt bằng. Cụ thể, có 23 dự án vướng thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/500 và 1/2.000; các dự án khác vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh được giao giải ngân 12.380 tỷ đồng trong năm 2024, trong đó, dự án vành đai 3 cần giải ngân gần 5.000 tỷ đồng.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh, lý do khiến dự án vành đai 3 giải ngân chậm lại là do thiếu cát san lấp và vướng 1,2% diện tích dự án chưa giải phóng được mặt bằng; tuy phần diện tích này thấp nhưng lại nằm ở các vị trí quan trọng, tiếp cận công trường cho nên đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án. Những khó khăn về cát san lấp và mặt bằng sẽ được đơn vị giải quyết dứt điểm trong tháng 6/2024 vì vậy đơn vị vẫn giữ mục tiêu sẽ giải ngân 95% vốn đầu tư trong năm 2024.

Tương tự, năm 2024, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cũng được giao giải ngân gần 13.000 tỷ đồng; trong hai dự án cải tạo bờ Bắc kênh Ðôi và rạch Xuyên Tâm có vốn đền bù giải phóng mặt bằng 8.900 tỷ đồng (chiếm gần 70% tổng vốn được giao). Vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn của đơn vị này do Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh chưa duyệt được phương án bồi thường để giải phóng rạch Xuyên Tâm khiến 5.400 tỷ đồng chưa thể giải ngân.

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng số vốn 6.814 tỷ đồng cũng gặp các vướng mắc chưa thể giải ngân do liên quan đến thẩm quyền thuộc Chính phủ và các cơ quan Trung ương. Dự án cải tạo và di dời nhà ở trên và ven kênh Ðôi (Quận 8) cũng bế tắc do chưa giải phóng được mặt bằng...

Đã xử lý nhưng chưa chuyển biến

Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, trong những dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc, có những dự án, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo tháo gỡ nhiều lần nhưng các địa phương, đơn vị không thực hiện. Cụ thể, có 29 kiến nghị đã được thành phố chỉ đạo đến hai lần, 60 kiến nghị được chỉ đạo một lần nhưng các đơn vị vẫn chưa giải quyết dứt điểm và đã bị đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê bình.

Ðiều đáng nói, đây không phải là lần đầu lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố phê bình các đơn vị, địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm. Trước đó, thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp như phê bình, khiển trách, kỷ luật đối với tập thể và cá nhân là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp; chủ trì tham mưu đánh giá thi đua các đơn vị trên kết quả giải ngân vốn đầu tư công; khen thưởng tập thể và lãnh đạo có thành tích xuất sắc, trừ điểm tập thể có tỷ lệ giải ngân không đạt so với kế hoạch được giao.

Các quận, huyện và thành phố Thủ Ðức với vai trò là cơ quan chủ quản của các chủ đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn, phải có chế tài và xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý, giải ngân đầu tư công…

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố chậm là do lãnh đạo thành phố chưa quyết liệt gắn trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu vào việc này. Thay vì chỉ phê bình hay điều chuyển vốn từ những dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang những dự án có tỷ lệ giải ngân cao, thành phố cần thí điểm những biện pháp mạnh tay hơn là điều chuyển công tác những vị trí đứng đầu; thay những người sợ làm, sợ trách nhiệm bằng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Ðể giải ngân được 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được phân bổ trong năm 2024, đòi hỏi cả bộ máy công quyền thành phố phải cùng vào cuộc, cùng chia sẻ trách nhiệm. Ðã đến lúc, thành phố phải làm quyết liệt với tinh thần "ai không làm thì đứng sang một bên" mà Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh nhiều lần.