Mục tiêu dẫn đầu cả nước về thanh toán không tiền mặt

Chương trình “Ngày không tiền mặt” lần thứ sáu diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh với chuỗi các sự kiện sôi động thu hút đông đảo người dân và doanh nghiệp. Tại thành phố phát triển kinh tế năng động nhất cả nước, chương trình góp phần định hình và củng cố thói quen sử dụng thanh toán không tiền mặt an toàn, tiện lợi.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng trải nghiệm các dịch vụ mới về thanh toán không tiền mặt tại Lễ hội không tiền mặt 2024.
Khách hàng trải nghiệm các dịch vụ mới về thanh toán không tiền mặt tại Lễ hội không tiền mặt 2024.

Kiên trì thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

Chương trình “Ngày không tiền mặt” do Báo Tuổi Trẻ phát động và phối hợp Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) tổ chức từ năm 2016 đến nay.

Chương trình năm nay diễn ra từ ngày 14-16/6/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, bảo mật” với chuỗi các sự kiện. Qua chặng đường 5 năm triển khai “Ngày không tiền mặt”, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự quan tâm, đồng hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, chương trình đã truyền tải, lan tỏa thông điệp, giá trị tích cực của thanh toán không tiền mặt, góp phần định hình và củng cố thói quen, hành vi sử dụng các phương thức, phương tiện thanh toán này; tạo nên chuyển biến rõ nét về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, doanh nghiệp và toàn nền kinh tế.

Nhớ lại thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình “Ngày không tiền mặt”, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ chia sẻ: Cách đây sáu năm, việc người dân không mang tiền mặt khi đi chợ, sử dụng dịch vụ công, ăn ở quán bình dân… hầu hết, chỉ đơn giản là do... quên ví. Việc chuyển khoản, thanh toán không tiền mặt lúc đó còn ít và khá xa lạ.

Trước thực tế đó, nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, Báo Tuổi Trẻ cùng Vụ truyền thông, Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) và Napas quyết định tổ chức chương trình “Ngày không tiền mặt”. Trong suốt thời gian qua, các bên đã kiên trì và linh hoạt tổ chức thực hiện nhiều nội dung, hoạt động truyền thông khác nhau. “Bước sang năm thứ sáu - 2024, rất nhiều quán ăn bình dân, nơi bán những món đồ rất nhỏ cũng in mã QR để khách “quét, chạm”. Thậm chí, với rất nhiều lái xe ôm, tờ giấy in mã QR trở thành vật bất ly thân, luôn để trong túi quần. Lý do đơn giản vì nó tiện dụng và tiện ích”, ông Lê Thế Chữ nhận định.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến hết năm 2023, cả nước đã có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng với 87,08% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng; nhiều ngân hàng đã có hơn 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Ngoài ra, số lượng giao dịch thanh toán qua thiết bị di động (Mobile) và QR Code cũng tăng trưởng nhanh chóng.

Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết: “Doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam đã đạt tới 20,5 tỷ USD, tương đương 470.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với đặc điểm nhân khẩu học gồm dân số trẻ, yêu thích công nghệ và tỷ lệ sử dụng tiền mặt còn khá cao, Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn để phát triển thanh toán không tiền mặt”.

Hướng tới xã hội không dùng tiền mặt

Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về giao dịch không tiền mặt. Lãnh đạo thành phố xác định, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành. Từ năm 2020 đến nay, thành phố triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để thúc đẩy hoạt động này.

Phát biểu tại hội thảo với chủ đề “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt” vừa tổ chức trong chuỗi sự kiện “Ngày không tiền mặt”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Ngày không tiền mặt” đã góp phần thúc đẩy Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt của Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến nay, 100% bệnh viện công của thành phố đã triển khai hình thức thanh toán này. Trong lĩnh vực thương mại, ba chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 48 trung tâm thương mại tại thành phố đều tham gia thanh toán không tiền mặt. Trong cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tỷ lệ đã đạt hơn 30%, góp phần phổ biến thanh toán không tiền mặt.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dũng cũng thừa nhận, trong quá trình triển khai hoạt động thanh toán không tiền mặt, thành phố gặp một số khó khăn, đặc biệt vấn đề bảo mật, an toàn cho người dùng là trở ngại khiến người dân chưa mạnh dạn sử dụng. Phó Chủ tịch thành phố nêu một số biện pháp để vừa bảo đảm tăng trưởng các giao dịch không tiền mặt, vừa hạn chế rủi ro, nâng cao nhận thức về bảo mật, an toàn cho người dân. Đó là, thành phố sẽ tiếp tục bổ sung hoàn thiện các cơ sở pháp lý để triển khai các giao dịch không tiền mặt đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật, thực tiễn và xu hướng phát triển trên thế giới.

Thành phố sẽ đầu tư phát triển hạ tầng, giải pháp thanh toán điện tử hiện đại, bảo mật, tạo điều kiện phổ cập các hình thức thanh toán điện tử, thanh toán không tiền mặt đến các hộ kinh doanh, cửa hàng trên địa bàn; phát triển các dịch vụ thanh toán đa dạng, mã hóa dữ liệu, phân tích những rủi ro để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Ngoài ra, thành phố cũng đưa yêu cầu giao dịch, thanh toán không tiền mặt là một nhóm giải pháp bắt buộc trong các sự kiện, lễ hội. Trong đó, đưa thanh toán không tiền mặt thành tiêu chí để triển khai phát triển đề án Phát triển kinh tế ban đêm. Thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích và an toàn của giao dịch không tiền mặt; hướng dẫn người dân cách sử dụng dịch vụ này an toàn, phòng ngừa các rủi ro mất an toàn trong giao dịch. Chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành để hình thành hệ sinh thái số, phục vụ thanh toán thông minh trên địa bàn thành phố.