Một thẻ thanh toán tích hợp cho các phương tiện công cộng

Giữa tháng 5, Sở Giao thông vận tải thành phố cùng Công ty cổ phần Onefin Việt Nam công bố hệ thống thanh toán EMV Open Loop-Mastercard thanh toán tự động trên xe buýt. Ðây là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đầu tiên đối với hệ thống giao thông công cộng của Thành phố Hồ Chí Minh. Ba tuyến xe buýt có lắp đặt hệ thống thanh toán này gồm: Tuyến 01 (Bến Thành-bến xe buýt Chợ Lớn); 43 (Bến xe Miền Ðông-phà Cát Lái); 65 (Bến Thành-Bến xe An Sương).
0:00 / 0:00
0:00
Hành khách có thể mua vé trên tuyến xe buýt Bến Thành-Bến xe An Sương chỉ với động tác "chạm".
Hành khách có thể mua vé trên tuyến xe buýt Bến Thành-Bến xe An Sương chỉ với động tác "chạm".

Nguyễn Nhã Thanh, sinh viên Học viện Kỹ thuật mật mã cho hay, do em học tại cơ sở ở quận Tân Bình cho nên chọn tuyến xe buýt 65 (Bến Thành-Bến xe An Sương) là phương tiện để di chuyển. Từ khi tuyến buýt này áp dụng phương thức thanh toán tự động, Nhã chỉ việc quẹt thẻ ngân hàng ATM vào đầu đọc thì vé được in ra, không cần mua vé như trước. Ngoài thanh toán bằng thẻ ngân hàng, Nhã có thể dùng điện thoại thông minh quét mã QR trên máy để thanh toán, rất nhanh và tiện lợi.

Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố cho biết: Với hệ thống thanh toán nêu trên khách lên xe buýt sử dụng thẻ ngân hàng, ví điện tử, Apple pay, Google pay... hoặc thiết bị thông minh chỉ cần "chạm" vào máy thanh toán tự động rồi chờ xe buýt lăn bánh. Ðiều này không chỉ tạo thuận tiện tối đa cho người dùng mà còn góp phần giảm giao dịch tiền mặt, hướng tới một cộng đồng xanh hơn và hiện đại hơn. Trong tháng 6 này phương thức thanh toán sẽ nhân rộng ra một số tuyến xe buýt khác trên địa bàn thành phố.

Giám đốc điều hành Công ty Bảo Yến, Chi nhánh phía nam Trần Nguyên Thái cho rằng, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đối với các loại hình dịch vụ đang bùng nổ, trong đó có thanh toán đối với phương tiện công cộng. Hình thức thanh toán này đang là xu hướng hiện đại, văn minh, hướng tới sự tích hợp các loại phương tiện cho cùng một thẻ thanh toán.

Cũng theo ông Thái, hiện ba tuyến xe buýt áp dụng thử nghiệm hệ thống thanh toán thẻ EMV do công ty khai thác nhưng theo thống kê, chưa tới 5% số lượng hành khách đi xe buýt sử dụng thanh toán tự động, mà vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt hoặc vé tháng (đối với sinh viên). Nguyên nhân chính là do rất ít tuyến xe buýt sử dụng hệ thống thanh toán này cho nên hành khách cảm thấy hạn chế và bất tiện do thiếu tính kết nối, liên thông. Do đó, ngành giao thông vận tải thành phố cần mở rộng hệ thống thanh toán này đến nhiều tuyến xe buýt hơn, đồng thời tuyên truyền để người dân biết và sử dụng.

Nhằm đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khi tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên đưa vào khai thác vận hành vào cuối năm nay, mới đây Công ty TNHH Một thành viên Ðường sắt đô thị số 1 (HURC) và Mastercard ký cam kết hợp tác thực hiện các giải pháp chấp nhận thanh toán trên tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên cho các đối tượng hành khách, đối tượng sử dụng ví điện tử như VNPay, MoMo...Ngoài ra, HURC cũng sẽ nghiên cứu thực hiện giải pháp sử dụng Căn cước công dân để thay thẻ đi lại cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng sử dụng vé tháng, bảo đảm đồng bộ cho người dân có thể sử dụng khi tuyến Metro số 1 hoạt động.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng chia sẻ: Thành phố đã thí điểm mô hình thanh toán tự động ở gần 40 tuyến xe buýt thông qua thẻ Unipass, QR code trên ứng dụng Zalo từ năm 2019. Ðể tăng tính tiện lợi, hình thức thanh toán đã được cải tiến thêm, đánh dấu giai đoạn mới trong quá trình thí điểm khi người dân có thể dùng mọi phương thức thanh toán điện tử để đi các tuyến xe buýt nêu trên.

"Trong kế hoạch đến năm 2025, toàn bộ hệ thống xe buýt ở thành phố sẽ áp dụng hệ thống thẻ vé thông minh. Ðây là cơ sở để thành phố triển khai các chính sách giá vé liên thông, linh hoạt, giúp hành khách có thể dùng chung các hình thức thanh toán để sử dụng các loại hình vận tải hành khách công cộng khác nhau, như xe buýt, metro; đồng thời giảm phương tiện cá nhân… qua đó góp phần đẩy mạnh xu hướng sử dụng phương tiện công cộng và thanh toán không dùng tiền mặt", ông Bằng nhấn mạnh.

Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan thí điểm thanh toán tự động trên 38/90 tuyến xe buýt trợ giá (chiếm tỷ trọng 42,2% số tuyến xe buýt có trợ giá của hệ thống), hoàn toàn sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp, không sử dụng ngân sách thành phố.

Ðể chuẩn bị đưa tuyến Metro số 1 vào khai thác thương mại trong thời gian tới, đơn vị liên quan đã kiến nghị Sở Giao thông vận tải sớm tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành chính sách giá vé cho tuyến này. Trước đó, phương án giá vé được Sở Giao thông vận tải đề xuất cho tuyến Metro số 1 gồm vé lượt, vé ngày và vé tháng. Giá vé này dự kiến được áp dụng khi tuyến Metro số 1 chính thức hoạt động, đề xuất áp dụng tối thiểu 3 năm đầu và tối đa 5 năm. Cụ thể, giá vé lượt thấp nhất cho chặng 5 km là 12.000 đồng và chặng hơn 15 km là 18.000 đồng. Ngoài ra, giá vé 1 ngày là 40.000 đồng, vé 3 ngày 90.000 đồng, vé tháng 260.000 đồng.