Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, kế hoạch đặt ra trong năm 2024 là nâng tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp lên khoảng 33-33,5%.
Trước đó, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia chính sách này đạt 30,13% vào năm 2022 và ước đạt khoảng 31,58% vào cuối năm 2023.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết tháng 11/2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 14,304 triệu người.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời với người lao động. Tính đến ngày 30/11/2023, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.034.889 người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 955.058 người, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Các chế độ của bảo hiểm thất nghiệp hiện nay được quy định cụ thể trong Luật Việc làm năm 2013. Trong đó, có 4 chế độ cho người lao động và 1 chế độ cho người sử dụng lao động.
4 chế độ với người lao động hiện hành là: trợ cấp thất nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Còn chế độ cho người sử dụng lao động gắn với trách nhiệm của họ trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Mục tiêu của bảo hiểm thất nghiệp không chỉ hướng tới hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động khi mất việc làm qua tiền trợ cấp thất nghiệp, mà còn gắn với chính sách thị trường lao động, nhất là chính sách theo hướng chủ động. Qua đó, giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động qua những hoạt động như: tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề… và duy trì việc làm của họ.
Trong năm 2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tập trung xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi) bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Một trong những nội dung đáng quan tâm của dự án Luật Việc làm (sửa đổi) là sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp. Chính sách này hiện nay cần thay đổi thích ứng với định hướng sửa đổi của Luật Bảo hiểm xã hội, chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, cũng như Nghị quyết 104/2023/QH15 của Quốc hội thực hiện bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất từ ngày 1/7/2024.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) hướng tới đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng như sửa đổi, bổ sung một số chế độ bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế.