Gần 284 nghìn người được xác nhận quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp qua Cổng dịch vụ công quốc gia

Từ Cổng dịch vụ công quốc gia, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho gần 284 nghìn trường hợp. Qua đó, giúp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động làm thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: Nhật Quang)
Lao động làm thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: Nhật Quang)

Ngày 2/11, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam họp định kỳ đánh giá tiến độ thực hiện và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.

Thông tin từ Tổ công tác cho biết, tính đến ngày 26/10/2023, từ Cổng dịch vụ công quốc gia, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 283.901 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tiếp nhận và xử lý 31.498 trường hợp đăng ký đóng, cấp thẻ bảo hiểm y tế thông qua dịch vụ công "Đăng ký đóng, cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với người chỉ tham gia bảo hiểm y tế"; tiếp nhận và xử lý 4.497 giao dịch đăng ký đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Trước đó, trong năm 2022, cả nước có hơn 983 nghìn người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 22,68% so với năm 20213. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2022 là hơn 975,3 nghìn người, tăng 27,55% so với năm 2021, chiếm 99,13% số người nộp hồ sơ đề nghị.

Đến ngày 26/10/2023, từ Cổng dịch vụ công quốc gia, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho gần 284 nghìn trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Cùng với đó, hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác thực được hơn 92,5 triệu tin nhân khẩu trong Cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, trong đó có khoảng 83 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế - đạt tỷ lệ 94,2% so với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đồng thời cung cấp, chia sẻ hơn 132 triệu lượt bản ghi thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế triển khai khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip với hơn 51,7 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế thành công phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận 273.793 hồ sơ đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; 4.218 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí thông qua 2 dịch vụ công liên thông là "Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng".

Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang triển khai dự án trang bị giải pháp định danh, xác thực trên nền tảng thẻ căn cước công dân gắn chip để triển khai xác thực sinh trắc trên căn cước công dân gắn chip tại bộ phận "Một cửa" của các cơ quan bảo hiểm xã hội trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, toàn quốc đã có 1.171 cơ sở khám, chữa bệnh gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe với 1.473.821 dữ liệu được gửi; có 1.460 cơ sở khám, chữa bệnh gửi dữ liệu giấy chứng sinh với 570.117 dữ liệu được gửi; 522 cơ sở khám, chữa bệnh gửi dữ liệu giấy báo tử với 5.620 dữ liệu được gửi…

Đại diện Trung tâm Công nghệ thông tin (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết thêm, cơ quan này đã đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của Chính phủ; rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa.

Quán triệt, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính không yêu cầu người dân phải xuất trình và nộp sổ hộ khẩu theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn Luật Cư trú; đẩy mạnh cung cấp, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Thực hiện chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp bảo đảm công khai, minh bạch, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao vai trò người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Xác thực dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để làm sạch dữ liệu và kết nối, chia sẻ phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Phối hợp triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID.

Bên cạnh đó, đã triển khai tích hợp toàn bộ các dịch vụ công được giao tại Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp tục phối hợp triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trên căn cước công dân gắn chip...