Ngày 28/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là nội dung triển khai quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô 2024 về việc xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố, trong đó có lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Trong nhiều năm qua, công tác an toàn thực phẩm luôn được thành phố quan tâm, chỉ đạo sát sao và có nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của người dân cũng như các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm. Bên cạnh đó, các biện pháp xử phạt nghiêm minh cũng đã được áp dụng, nhưng tình hình diễn biến phức tạp.
Theo số liệu từ Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, riêng trong sáu tháng đầu năm 2024, các cơ quan quản lý đã kiểm tra 44.302 cơ sở; qua đó xử lý vi phạm 6.114 cơ sở, phạt hơn 3,8 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; không bố trí khu vực sản xuất theo nguyên tắc một chiều; không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm đã qua chế biến và chưa chế biến; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm...
Về mức xử phạt được đưa ra tại dự thảo nghị quyết, ông Đinh Hạnh, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội đánh giá, việc Luật Thủ đô cho phép điều chỉnh mức xử phạt lên gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Việc tăng mức xử phạt sẽ góp phần gia tăng mức răn đe, nâng cao hiệu lực của công tác quản lý. Ông Đinh Hạnh kỳ vọng, khi được ban hành Nghị quyết sẽ tạo hiệu ứng tích cực, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trên địa bàn.
Bà Nguyễn Minh Hà, Hội đồng tư vấn Văn hóa xã hội, Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, lo lắng về thực tế thực phẩm thiếu an toàn đang được bán tại các trường học, các chợ… Do vậy, bà Nguyễn Minh Hà băn khoăn, dù tăng mức phạt cũng sẽ góp phần hạn chế hơn hành vi vi phạm, nhưng còn chưa đủ để xử lý, răn đe, bởi trên thực tế các hành vi vi phạm ngày càng phức tạp, tái diễn liên tục.
Có ý kiến cho rằng, nghị quyết này mới chú trọng vào quy định mức phạt, nhưng làm thế nào để răn đe từ xa, ngăn chặn từ xa, người tiêu dùng phải trở thành người tiêu dùng thông thái, người kinh doanh phải trở thành người kinh doanh có đạo đức thì lại chưa đề xuất giải pháp. Đồng thời cần có sự tham gia của các sở, ngành, phối hợp để có giải pháp tổng thể, căn cơ đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Nhiều ý kiến đồng tình quan điểm, các số liệu dẫn chứng khi thông qua Nghị quyết cần cho thấy đầy đủ diễn biến phức tạp, tình hình thực tế của lĩnh vực này. Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị, cần bổ sung một số văn bản như báo cáo tổng hợp, đánh giá tác động của các đối tượng, cơ quan tổ chức, quận, huyện, có liên quan. Cần có báo cáo đánh giá thực trạng tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn trong thời gian qua.
Mức tiền phạt được đưa ra tại dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội đã áp dụng “kịch khung” cho phép của Luật Thủ đô.
Bên cạnh nhiều ý kiến cho rằng, khung xử phạt vi phạm hành chính này là phù hợp với thực tế, thì nhiều ý kiến phản biện cũng lưu ý về tầm quan trọng của việc tổ chức xử phạt. Trên thực tế các hình thức xử phạt không thiếu, nhưng hiệu quả còn thấp là do khâu tổ chức thực hiện.