Thời gian qua, quận đã quan tâm đầu tư, thực hiện các giải pháp đặc thù, từng bước hoàn thiện phương án sắp xếp mạng lưới trường học.
Trường mầm non Nắng Mai có địa chỉ tại số 53-55 phố Hàng Giấy và 45 phố Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm) được thành lập từ năm 1970. Trường nằm trong khu phố cổ, mặt bằng chật hẹp, cơ sở vật chất xuống cấp, cho nên Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mới trường mầm non tại địa điểm 53-55 Hàng Giấy (diện tích 243,7 m2) với quy mô bốn tầng nổi, một tum; cải tạo, sửa chữa địa điểm 45 Hàng Đậu (diện tích 108 m2) với quy mô bốn tầng.
Cả hai địa điểm này đều được bổ sung hệ thống phòng cháy chữa cháy, đầu tư trang, thiết bị dạy và học đồng bộ, hiện đại. Sau 18 tháng triển khai thi công, cuối tháng 7/2024, công trình được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.
Đại diện nhà trường cho biết, học sinh đã có không gian học tập, vui chơi, hoạt động thể chất tinh thần phong phú, hiện đại. Trường Nắng Mai được xây mới, cải tạo góp phần hoàn thiện mạng lưới trường học đạt chuẩn quốc gia tại quận Hoàn Kiếm.
Đầu năm 2024, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức gắn biển công trình Trường tiểu học Quang Trung tại 39 phố Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo. Trường có diện tích 2.113 m2; được xây dựng bốn khối nhà với tổng số 36 phòng học và chức năng, bảy phòng hiệu bộ, một phòng bếp và một phòng hội đồng, đáp ứng các tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia. Ngôi trường được hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ công tác dạy và học cho khoảng 1.500 học sinh và 60 cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, quận Hoàn Kiếm luôn xác định đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho sự phát triển con người là thế mạnh để quận phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững.
Thời gian qua, công tác đầu tư, cải tạo mạng lưới trường học trên địa bàn quận luôn được Quận ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm xác định là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên nguồn lực thực hiện. Nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực giáo dục của quận chiếm hơn 41% tổng số vốn trung hạn của cả giai đoạn. Nhiều trường học được xây mới, cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng yêu cầu dạy và học theo tiêu chuẩn mới.
Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, công tác đầu tư, sắp xếp, cải tạo mạng lưới trường học trên địa bàn quận vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đáng chú ý, trong số 18 phường, vẫn còn ba phường không có trường học ở cả ba cấp; 15 phường không đủ tiêu chí mỗi phường có một trường mầm non, một trường tiểu học, một trường trung học cơ sở theo quy định.
Công tác triển khai các dự án xây dựng trường học cũng gặp nhiều khó khăn do giới hạn về quỹ đất, quy định về quy hoạch đô thị… Ngoài ra còn có tình trạng trường học có từ một đến một vài điểm trường, nằm trong ngõ sâu hoặc chung không gian với hộ dân, không bảo đảm điều kiện học tập cho học sinh. Một số trường thiếu sân chơi, bãi tập hoặc quy mô không bảo đảm theo quy định…
Nhằm từng bước tháo gỡ những khó khăn, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án sắp xếp mạng lưới trường học phù hợp với quy định và tình hình thực tế trên địa bàn.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm Trịnh Ngọc Trâm cho biết, quận tiếp tục tăng cường đầu tư xây mới, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho các nhà trường, đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 cũng như yêu cầu hội nhập và phát triển.
Công tác sắp xếp mạng lưới trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm sẽ được triển khai theo lộ trình, có phương án triển khai cụ thể, làm tốt công tác chuẩn bị và tuyên truyền trước khi tổ chức thực hiện; để không ảnh hưởng tới việc dạy và học của nhà trường cũng như tâm lý của giáo viên, học sinh.
Quận cũng sẽ báo cáo, đề xuất thành phố về cơ chế đặc thù cho quận Hoàn Kiếm đối với những quy định về quy hoạch đô thị, số lượng trường học tại các phường; diện tích phòng học, diện tích sân chơi bãi tập; việc xây dựng trường chuyên biệt… để phù hợp với tình hình thực tế và đặc thù của địa bàn quận.