Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ cho doanh nghiệp

Thời gian qua, việc thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo khu vực phía nam được Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan chú trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng tảo xoắn. (Ảnh: HÀ LINH)
Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng tảo xoắn. (Ảnh: HÀ LINH)

Nhiều cuộc trao đổi, xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học đã được tổ chức nhằm tăng hiệu quả triển khai các hoạt động, nâng cao sự đóng góp của khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế-xã hội.

Những năm gần đây, nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, ngành khoa học và công nghệ phía nam luôn tăng cường hợp tác, kết nối với các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học trong khu vực để nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; liên kết chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương, tạo sự gắn kết chặt chẽ nhằm khai thác tốt hơn nguồn lực và điều kiện sẵn có, giúp các địa phương phát triển lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Trong quá trình hợp tác, các chuyên gia, nhà khoa học đã hỗ trợ doanh nghiệp về chuyển giao, đổi mới, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Một số công nghệ và giải pháp công nghệ ngoài nước cũng được giới thiệu nhằm đáp ứng nhu cầu công nghệ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khu vực phía nam như: Tiệt trùng cho thực phẩm ăn liền; công nghệ Proton cấp đông nhanh, giữ nguyên độ tươi của thực phẩm; nghiền bột thông minh…

Từ đó, các sở khoa học và công nghệ, chuyên gia và doanh nghiệp cùng chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và trao đổi kinh nghiệm trong triển khai các chính sách, tạo dựng các mô hình hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối, đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực, hợp tác nghiên cứu, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo nhận định của các chuyên gia công nghệ, khu vực phía nam là địa bàn có vị trí quan trọng nhưng hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ chưa đáp ứng như kỳ vọng. Việc nghiên cứu tạo ra công nghệ mới, tri thức mới là cần thiết để nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, tuy nhiên, doanh nghiệp cần công nghệ ứng dụng ngay để đáp ứng thực tiễn sản xuất, vì thế cần có các giải pháp tức thời. Một trong các giải pháp là chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ phụ trách khu vực phía nam cho biết, Bộ đã và đang xây dựng nhiều chương trình nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Để bắt kịp nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, Bộ cũng có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài vào Việt Nam. Các văn phòng đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ luôn sẵn sàng lắng nghe nhu cầu của doanh nghiệp để hỗ trợ tìm kiếm công nghệ phù hợp.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Phát triển công nghệ, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Khánh Tùng cho biết, việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam đã được quy định tại Quyết định 1851/QĐ-TTg, và được sửa đổi bằng Quyết định 138/QĐ-TTg do Thủ tướng phê duyệt vào đầu năm 2022.

Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan được giao xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ nước ngoài vào Việt Nam; hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ; nâng cao năng lực, nhân lực của doanh nghiệp. Đề án cũng xác định một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên chuyển giao như: Nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, công nghiệp điện tử...

Đáng chú ý, thời gian qua, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã xây dựng được 14 bản đồ công nghệ giúp các doanh nghiệp định hướng phát triển. Các bản đồ công nghệ về chọn tạo giống và sản xuất lúa gạo, công nghệ gene, công nghệ tế bào gốc, công nghệ sản xuất vaccine cho người, công nghệ sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử, bán dẫn, công nghệ sản xuất nhựa kỹ thuật và công nghệ in 3D... giúp doanh nghiệp làm căn cứ để phát triển công nghệ phù hợp.

Ông Phạm Thế Dũng, Phó Cục trưởng Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, mặc dù đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng hiện vẫn còn khoảng trống giữa chính sách và thực thi trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các địa phương, doanh nghiệp.

Để hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại khu vực phía nam nói riêng và cả nước nói chung hiệu quả hơn, Cục sẽ chủ động phối hợp các sở khoa học và công nghệ triển khai một số nhiệm vụ cụ thể như: Hỗ trợ các địa phương trong việc tăng cường kết nối, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo với các quốc gia, vùng lãnh thổ; phối hợp, hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất, xác định nhu cầu công nghệ trên một số lĩnh vực trọng điểm của các địa phương; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ cho các doanh nghiệp…

Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo phối hợp các sở khoa học và công nghệ hỗ trợ việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của các tỉnh, thành phố khu vực phía nam; hướng dẫn, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong việc thu thập, đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương nhằm cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho lãnh đạo các cấp trong việc ra quyết định, xây dựng và thực thi chính sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong vùng nói riêng và cả nước nói chung.