Thái Nguyên có diện tích chè lớn nhất so với các tỉnh với khoảng 23 nghìn ha, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, người dân có kinh nghiệp trồng, chăm sóc, chế biến, là cây nông nghiệp chủ lực và tỉnh có nhiều hình thức đầu tư nên năng suất, chất lượng chè không ngừng được nâng lên, được người tiêu dùng trong cả nước ưa chuộng, mang lại doanh thu hơn mười nghìn tỷ đồng/năm, cao nhất so với các sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn.
Những năm vừa qua, tỉnh Thái Nguyên và các địa phương trong tỉnh có nhiều hình thức đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển cây chè và các sản phẩm chè.
Đó là hỗ trợ chuyển đổi giống chè; ứng dụng mô hình, đầu tư xây dựng tưới tự động để tăng năng suất, chất lượng, nhất là vào mùa đông; hỗ trợ mua sắm thiết bị chế biến, đóng gói; xây dựng thương hiệu, mẫu mã, tem nhãn, quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, mặc dù có sản lượng lớn, nhưng chưa bao giờ chè Thái Nguyên bị tồn đọng.
Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên Triệu Văn Cương cho biết: “Thời gian vừa qua, tỉnh chỉ đạo nghiên cứu nhiều đề tài, sáng kiến, mô hình, dự án ứng dụng công nghệ cho nông nghiệp, nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực; chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn thông minh; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm...Qua đó, góp phần lan toả, nhân rộng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy tiến độ và chất lượng xây dựng NTM”.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM. Cụ thể, ngày 13/6/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND triển khai chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Thái Nguyên.
Trong đó xác định, cung cấp kịp thời những luận cứ khoa học, thực tiễn và các giải pháp khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống của người dân; thúc đẩy liên kết và thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương trong tỉnh.
Căn cứ thực tiễn xây dựng NTM trên địa bàn, tỉnh sẽ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; đề xuất một số giải pháp khoa học, công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn.
Xây dựng và nhân rộng một số mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với điều kiện đặc thù, phát huy được thế mạnh của từng địa phương, từng vùng trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm đặc thù địa phương.
Phấn đấu ít nhất 70% mô hình triển khai trong Chương trình được các huyện, thành phố tiếp tục triển khai, nhân rộng. Có ít nhất 80% mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn được triển khai trong Chương trình có sự liên kết đa ngành, liên kết theo chuỗi giá trị và hợp tác công tư. Tối thiểu 25% mô hình triển khai trong Chương trình được thực hiện ở các xã đặc biệt khó khăn, các địa phương chưa đạt chuẩn NTM.
Tỉnh sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp; tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn bền vững; truyền thông nâng cao nhận thức xã hội, quảng bá thành tựu khoa học công nghệ để thúc đẩy tiến trình, chất lượng xây dựng NTM thời gian tới.