Xuất ngoại học trồng rau
Bà Đặng Thị Cuối (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội) từng có thời gian sang Đài Loan (Trung Quốc) làm công việc chăm sóc rau cho các nông trại. Lần đầu tiên tận mắt chứng kiến quy trình trồng rau hữu cơ theo phương pháp hiện đại, bà Cuối bắt đầu những bài học “vỡ lòng” về rau hữu cơ. Qua quá trình học hỏi và làm việc, bà Cuối nhận thấy rau được trồng bằng phương pháp hữu cơ có giá trị và hiệu quả cao gấp nhiều lần rau bình thường.
Nhận thấy quê mình đất đai phì nhiêu, thời tiết thuận lợi, năm 2017, bà Cuối trở về xây dựng trang trại rau hữu cơ đầu tiên tại vùng bãi sông Hồng. Sau 4 tháng tỉ mỉ chăm sóc, lứa rau đầu tiên được thu hoạch nhưng không bán được vì rau “quá tươi”, người dân sợ phun thuốc. Vợ chồng bà tìm cách tặng rau cho mọi người. Nhiều người thấy ngon tìm đến tận vườn để mua. Chứng kiến tâm huyết của người trồng với vườn rau, họ càng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm.
Khởi nghiệp từ 3 sào đất, đến nay trang trại hữu cơ của bà Cuối có tổng diện tích hơn 5,4ha gồm 80 nhà màng với phương châm “mùa nào thức ấy”. |
Khởi nghiệp từ 3 sào đất, đến nay trang trại hữu cơ của bà Cuối có tổng diện tích hơn 5,4ha gồm 80 nhà màng với phương châm “mùa nào thức ấy”. Sản lượng bình quân đạt từ 70-80 tấn/năm, giá bán buôn 20-30 nghìn đồng/kg. Mỗi tháng, trang trại bà Cuối xuất ra thị trường 7-8 tấn rau các loại, thu về 200 triệu đồng, hiệu quả gấp 3 lần trồng rau bình thường. Rau nhà bà được trồng theo phương pháp “5 không” với dây chuyền hiện đại.
Đất trước khi gieo được cải tạo, đánh tơi rồi dùng ga để khò cho sạch, chống mọi sâu bệnh. Nước tưới cũng bảo đảm sạch sẽ như dùng cho người. Sau khi gieo hạt sẽ tiến hành đóng cửa nhà kính, chỉ điều tiết nước bên ngoài. Phương pháp này vừa tiết kiệm công sức lại cho năng suất cao, rút ngắn thời gian thu hoạch, 1 sào năng suất từ 5 tạ - 1 tấn, nếu nhiệt độ trên 30 độ thì chỉ 15-18 ngày là thu hoạch.
Hiện bà Cuối đang cung cấp rau cho 16 trường mẫu giáo của huyện Đan Phượng và là nguồn cung cho nhiều doanh trại quân đội, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội… Đến nay, trang trại của bà Cuối đã có 17 sản phẩm rau được thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Nỗ lực đẩy mạnh liên kết chuỗi và chuyển giao công nghệ
Bà Cuối sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với mong muốn mô hình rau hữu cơ được áp dụng rộng rãi. Không chỉ làm giàu cho bản thân, bà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, truyền dạy cho họ kinh nghiệm quý báu từ nghề trồng rau. Trang trại của bà là địa chỉ đỏ cho những ai muốn đi lên và làm giàu từ rau hữu cơ, đồng thời cũng là nơi học tập, trải nghiệm, thực hành của nhiều sinh viên ngành nông nghiệp.
Chuyển giao công nghệ đang là lĩnh vực đạt nhiều thành tựu của bà Cuối. |
Chuyển giao công nghệ đang là lĩnh vực đạt nhiều thành tựu của bà Cuối. Theo bà, các HTX hiện nay muốn làm nông nghiệp hữu cơ thành công cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất của rau hữu cơ, tuyệt đối không pha trộn với cách làm cũ. Muốn làm nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, nghĩa là không có kiến thức thì không thể trồng được rau hữu cơ. Điều này đòi hỏi nông dân phải thay đổi tư duy và thoát ly hẳn với cách làm truyền thống, mạnh dạn đầu tư tiến tới liên kết chuỗi để đáp ứng xu thế và nhu cầu của thị trường.
Khó khăn của bà Cuối trong việc chuyển giao là người học còn quen với cách làm cũ, nên chỉ cần lơ là thì họ sẽ đi sai phương pháp. Để khắc phục, bà Cuối luôn phải trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, tận tụy theo dõi, kèm cặp, nhắc nhở để học viên làm đúng quy trình, áp dụng đúng kỹ thuật mà nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi. Các học viên sau khi hoàn thành khóa học sẽ được cấp giấy chứng nhận và giúp đỡ trực tiếp về cây giống, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng để mở trang trại. Rau sản xuất ra trong 3 tháng đầu sẽ được bà Cuối hỗ trợ bao tiêu.
Muốn làm nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, nghĩa là không có kiến thức thì không thể trồng được rau hữu cơ.
Đến nay, bà Cuối đã tiến hành chuyển giao công nghệ cho 32 mô hình tại miền bắc, 6 mô hình tại miền nam. Các mô hình sau khi áp dụng đều đạt kết quả tốt, góp phần nhân rộng phương pháp trồng rau hữu cơ một cách hiệu quả. Không chỉ thành công chuyển giao trong nước, tháng 7/2023 bà Cuối còn tự hào đem mô hình của mình “xuất ngoại” sang nước bạn Lào theo lời mời của Chủ tịch nước Lào với số vốn đầu tư lên tới 40 tỷ đồng.
Đề cập đến thành công từ liên kết chuỗi trong sản xuất hữu cơ, bà Cuối nhấn mạnh: “Để liên kết chuỗi hoạt động hiệu quả, quan trọng nhất phải bảo đảm được chất lượng sản phẩm sạch đạt “chuẩn hữu cơ”. Vì chỉ cần phát hiện trong rau có sự xuất hiện của phân bón vô cơ sẽ gây ra hiệu ứng “domino” làm tê liệt cả chuỗi. Do vậy, từ nhà sản xuất, hợp tác xã cho đến các bên cung cấp ra thị trường cần phối hợp chặt chẽ và thống nhất để nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường và gia tăng hợp tác bền vững, tạo tiền đề hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái công nghệ cao”.
Mong muốn sản phẩm rau hữu cơ của Việt Nam có thể đến tay người tiêu dùng nước ngoài, bà Cuối ấp ủ ý định đưa thương hiệu rau sạch “Cuối Quý” vươn ra thị trường quốc tế. Dù đạt chất lượng tốt nhưng số lượng nguồn cung chưa bảo đảm đang là vấn đề HTX “rau Cuối Quý” cần giải quyết. Trong tương lai, bà Cuối dự định mở rộng mô hình và diện tích trồng rau để bảo đảm nguồn cung xuất khẩu, đưa sản phẩm rau hữu cơ Việt góp mặt trên các kệ hàng của nhiều quốc gia, chinh phục các thị trường khó tính.
Đam mê trồng rau sạch hữu cơ
Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao nói chung và nông nghiệp sinh thái hữu cơ nói riêng đang là xu hướng bền vững của nhiều quốc gia. Thành công từ mô hình của bà Đặng Thị Cuối là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của thay đổi tư duy sản xuất trong bối cảnh hiện nay. Cần sự vào cuộc và quan tâm hơn nữa từ phía chính quyền và các bộ ngành cũng như thay đổi từ người nông dân để sản xuất hữu cơ thực sự trở thành thế mạnh của nông nghiệp Việt trong tương lai.