4 chế độ với lao động trong doanh nghiệp khi thôi việc, mất việc làm
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, người lao động trong doanh nghiệp khi thôi việc, mất việc làm được bảo đảm 4 chế độ sau.
Thứ nhất là trợ cấp thất nghiệp quy định tại Luật Việc làm 2013.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân của người lao động cả nước hiện nay là 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi thôi việc, mất việc làm được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kế trước khi thất nghiệp.
Thời gian hưởng tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp và tối đa không quá 12 tháng.
Cụ thể, đây là nhóm lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên, thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc.
(Nguồn: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội). |
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân của người lao động cả nước hiện nay là 3,5 triệu đồng/người/tháng. Người lao động tại một số địa phương có mức hưởng cao là Thành phố Hồ Chí Minh 5,8 triệu đồng/người/tháng, Hà Nội 4,523 triệu đồng/người/tháng, Đồng Nai 4,35 triệu đồng/người/tháng, Đà Nẵng 3,946 triệu đồng/người/tháng, Bắc Ninh 3,787 triệu đồng/người/tháng. Số lao động hưởng 3 tháng chiếm 68,42%.
Số người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp 4 tháng cho đến hết tháng 4 là 274.592 người, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Phỏng vấn người lao động trực tuyến tại phiên giao dịch việc làm quận Long Biên, Hà Nội, tháng 5/2023. (Ảnh: NAM NGUYỄN) |
Thứ hai là tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Người lao động được các trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện việc tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.
Thứ ba là hỗ trợ học nghề. Người lao động được hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 6 tháng. Mức hỗ trợ được tính theo mức thu học phí của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa (đối với khóa đào tạo đến 3 tháng), không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng (đối với khóa đào tạo trên 3 tháng).
Qua 4 tháng đầu năm 2023, số người được học nghề là 7.308 người, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Thứ tư là chế độ bảo hiểm y tế. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Cơ quan bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
4 chế độ hỗ trợ trên với người lao động được chi trả từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Luật Việc làm 2013.
Trước đó, vào năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 và Quyết định 28/2021/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, tổng số tiền đã hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động là hơn 41.046 tỷ đồng.
4 chế độ hỗ trợ trên với người lao động được được chi trả từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Luật Việc làm 2013.
Cụ thể, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã chi trả cho hơn 13,3 triệu người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ với số tiền hơn 31.836 tỷ đồng. Cùng với đó, hỗ trợ giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho gần 347 nghìn đơn vị sử dụng lao động với số tiền hơn 9.210 tỷ đồng.
Hỗ trợ vay vốn ưu đãi tạo việc làm
Người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh được hỗ trợ vay vốn ưu đãi tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm
Người lao động được vay tối đa 100 triệu đồng, cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Tính đến tháng 3/2023, tổng dư nợ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm là 65.335 tỷ đồng. Dư nợ của nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm khoảng 4.408 tỷ đồng, dư nợ của nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huy động là 33.840 tỷ đồng, dư nợ của nguồn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng Chính sách xã hội là 27.087 tỷ đồng.
Trong quý I/2023, doanh số cho vay từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động là gần 2.200 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho khoảng 62 nghìn lao động
Chính sách cho vay vốn tạo việc làm được đánh giá là chính sách có hiệu quả tốt nhất. Để đáp ứng nhu cầu vốn vay tạo việc làm, ngày 4/5/2023, Chính phủ đã có Tờ trình số 179/TTr-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội cho phép điều chuyển 16.865 tỷ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện 4 chính sách vay ưu đãi (cho vay nhà ở chính sách xã hội, cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến, cho vay phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập) sang thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Ước tính, số tiền này hỗ trợ 355 nghìn lao động.
Hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề
Cùng với các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, vay vốn tạo việc làm, người lao động còn được hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề.
Cụ thể, thực hiện các đề án, chương trình mục tiêu về đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, các bộ, ngành, địa phương đang tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.
Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng, mức hỗ trợ tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa (đối với khóa đào tạo đến 3 tháng), không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng (đối với khóa đào tạo hơn 3 tháng).