Để giáo dục nghề nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động

NDO - Theo thống kê, khoảng hơn 80% học viên tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp đã có việc làm. Hiệu quả giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Trường trung cấp Bách nghệ Hà Nội tại Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động, tháng 5/2023 (Ảnh: Thủy Nguyên)
Sinh viên Trường trung cấp Bách nghệ Hà Nội tại Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động, tháng 5/2023 (Ảnh: Thủy Nguyên)

Nâng dần chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp

Thông tin về quy mô đào tạo của giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, số lượng tuyển sinh giai đoạn 2011-2020 đạt 19,67 triệu người.

Trong số này, tuyển sinh trình độ cao đẳng đạt 1,945 triệu người (chiếm 9,8%), trình độ trung cấp đạt 2,3 triệu người (chiếm 11,86%). Số người thuộc nhóm dân tộc thiểu số chiếm khoảng 7,5% và nữ chiếm 25,5%. Trong hai 2021 và 2022, mỗi năm tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khoảng 2 triệu người.

Số lượng tuyển sinh của giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2011-2020 đạt 19,67 triệu người.

Ở giai đoạn 2016-2020, giáo dục nghề nghiệp thu hút hơn 980 nghìn học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học.

Phần lớn trường cao đẳng, trường trung cấp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đều có tuyển sinh và đào tạo cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trong đó chủ yếu học sinh vào học hệ trung cấp. Ngoài ra, một số em học các trình độ sơ cấp hoặc học liên thông lên cao đẳng.

Khung trình độ quốc gia gồm 8 bậc, trong đó giáo dục nghề nghiệp có 5 bậc (từ bậc 1-5) đã được ban hành, bảo đảm tính liên thông giữa các bậc, tạo điều kiện công nhận trình độ và học tập suốt đời.

Khung trình độ quốc gia đã tham khảo Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF), Khung trình độ châu Âu (EQF). Do đó, sẽ tạo điều kiện cho việc công nhận lẫn nhau về trình độ đào tạo, tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhận định, chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Kỹ năng nghề của người học được tăng cường. Khoảng hơn 80% người tốt nghiệp đã có việc làm, trong đó 70 đến 75% học viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành, nghề đào tạo.

Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín về chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp có tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp đạt 100%, và 85-90% người tốt nghiệp có việc làm đúng ngành, nghề đào tạo.

Khoảng hơn 80% người tốt nghiệp đã có việc làm, trong đó 70 đến 75% học viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành, nghề đào tạo.

Cơ quan này cũng nhận định, gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động có chuyển biến tích cực. Nhìn nhận của doanh nghiệp về giáo dục nghề nghiệp có thay đổi trong việc hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước các cấp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp đã có nhiều hình thức, mô hình hợp tác đa dạng, phong phú, gắn kết giữa đào tạo và giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thành lập bộ phận chuyên trách về gắn kết doanh nghiệp.

Khắc phục sáu hạn chế của giáo dục nghề nghiệp

Để giáo dục nghề nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động ảnh 1

Tìm hiểu thông tin việc làm tại phiên giao dịch việc làm quận Long Biên, tháng 5/2023. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Thứ nhất, giáo dục nghề nghiệp chưa gắn chặt với thị trường lao động. Quy mô đào tạo còn nhỏ và cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo còn bất hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu tăng nhanh lực lượng lao động có chứng chỉ bằng cấp và kỹ năng nghề nghiệp cao, đặc biệt đối với những lĩnh vực kinh tế mà Việt Nam có thế mạnh.

Thứ hai, chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao, chuyển giao, nhân rộng các chương trình theo chuẩn quốc tế chưa đồng bộ.

Thứ ba, quy mô đào tạo chất lượng cao còn nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn và yêu cầu nâng cao chất lượng cạnh tranh của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh cao.

Thứ tư, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động chưa được chú trọng.

Thứ năm, giáo dục nghề nghiệp và hệ thống giáo dục và đào tạo nói chung chưa thật sự mở, linh hoạt, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân

Thứ sáu, hội nhập quốc tế chưa chủ động và hiệu quả chưa cao. Giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động, khai thác tối đa các cơ hội và tiềm năng hợp tác đa phương và song phương khu vực và quốc tế.

Thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất một số giải pháp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường lao động.

Hồ sơ dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được xây dựng cũng có một nội dung nổi bật liên quan tới nhóm chính sách phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trong đó, cần tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để giáo dục nghề nghiệp gắn chặt với thị trường lao động, tăng cường tính mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng.

Triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đào tạo gắn với yêu cầu của thị trường lao động.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp từ khâu tuyển sinh đến đào tạo, đặt hàng đào tạo.

Ngoài ra, trong hồ sơ dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được xây dựng để trình Quốc hội sắp tới, cũng có một nội dung nổi bật liên quan tới nhóm chính sách phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) nêu rõ, mục tiêu của nhóm chính sách này là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo thuận lợi cho người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Nội dung chính sách gồm ba nhóm quy định chính.

Trước hết là quy định bảo đảm đồng bộ, gắn kết giữa khung trình độ quốc gia với khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia; tăng cường sự tham gia của các bên (Nhà nước, người lao động, người sử dụng lao động, cơ sở đào tạo) trong phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Tiếp đó là quy định tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ nghề quốc gia, tăng tính mở và linh hoạt trong việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động cũng như nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề.

Dự thảo Luật cũng đề xuất các giải pháp thực hiện chính sách.

Cụ thể, với phát triển kỹ năng nghề, sẽ bổ sung nhiều quy định. Đó là: Mục đích, nội dung phát triển kỹ năng nghề; hoạt động hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề; Hội đồng kỹ năng nghề; Khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia và quy định việc tham chiếu, kết nối khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia với khung trình độ quốc gia; Trách nhiệm quản lý nhà nước về phát triển kỹ năng nghề; tôn vinh, khen thưởng tổ chức, cá nhân trong phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong phát triển kỹ năng nghề; Kinh phí hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề theo hướng ngân sách Nhà nước hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án, đề án liên quan; quy định Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề (quỹ tài chính ngoài ngân sách theo cơ chế xã hội hóa).

Về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, bổ sung các quy định cụ thể về: Điều kiện, tổ chức và hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Quyền, trách nhiệm của người sử dụng lao động tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Các đối tượng và một số ngành, nghề đặc thù được hỗ trợ tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.