Ngày sang Thụy Sĩ du học, Võ Minh Anh (22 tuổi, sống tại quận Tân Bình) cảm thấy háo hức lẫn tự hào. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn sinh sống nơi đất khách, Minh Anh quyết định trở về Việt Nam để tìm lại chính mình: "Khi giao lưu cùng bạn bè các nơi, tôi chợt nhận ra mình là người Việt nhưng chẳng biết nhiều về văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc. Không ít bạn trẻ giống tôi, rất rành lịch sử, văn hóa các nước trong khi chẳng hiểu rõ đất nước, văn hóa của mình. Tôi thấy buồn vì điều này. Trở về nước, tôi bắt tay vào thực hiện một dự án kể chuyện về văn hóa và con người Việt Nam. Chính quá trình tìm hiểu này giúp tôi nhận biết rất nhiều điều thú vị để thêm yêu, thêm quý những gì thuộc về quê hương, nhất là tiếng mẹ đẻ". Không riêng Minh Anh mà không ít bạn trẻ đã và đang rơi vào trường hợp này. Sinh ra, lớn lên tại Việt Nam nhưng khi nghe ai đó hỏi về đất nước, ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa của mình lại chẳng biết bắt đầu kể từ đâu. Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ còn cho rằng, khi kinh tế ngày càng khá giả, nhiều gia đình đầu tư cho con cái học ngoại ngữ mà quên mất trẻ cũng rất cần được trau dồi vốn tiếng Việt. Vậy nên, mới có nhiều tình huống "dở khóc dở cười" khi nhiều bạn trẻ Việt nói tiếng Anh lưu loát nhưng lại ngập ngừng khi diễn tả bằng tiếng Việt.
Theo nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Phan Nhật Chiêu, tiếng Việt đã vượt qua bao sóng gió để được như ngày hôm nay. Thế nhưng, một thực tế đáng buồn đang tồn tại. Nhiều người Việt khi đi nước ngoài, thậm chí không ít người Việt ở Việt Nam lại muốn "quên đi" tiếng Việt. Khi nghe người Việt nào đó hỏi câu "Cái này tiếng Việt gọi là gì nhỉ?" với vẻ mặt tự hào, nhà văn Nhật Chiêu cảm thấy thất vọng vô cùng. "Chúng ta là dân tộc cực kỳ may mắn, hạnh phúc khi giữ được tiếng mẹ đẻ chẳng những nguyên vẹn mà còn đẹp hơn. Tại sao bây giờ nhiều người cố quên đi tiếng Việt để tập nói ngoại ngữ và cho rằng đó là điều hay. Người Việt mà tự hào quên tiếng Việt thì không hiểu sự tự hào đó nên gọi là gì?"- nhà văn Phan Nhật Chiêu nói với giọng trầm tư. Ông Vĩnh Ðào, Tiến sĩ Văn học Pháp, Viện đại học Paris-Sorbonne tỏ ra lo lắng khi tiếng Việt ngày nay xuất hiện quá nhiều từ chêm tiếng nước ngoài hay hàng loạt từ mới khó hiểu. Nhiều bạn trẻ Việt lớn lên ở nước ngoài ít cơ hội tiếp xúc, sử dụng nên dần quên mất tiếng mẹ đẻ. Càng buồn hơn khi không ít người Việt sử dụng một loại tiếng Việt đang dần xa lạ với quá nhiều yếu tố vay mượn. Ông thắc mắc, tiếng Việt hay và đẹp như thế, tại sao không giữ nguyên mà lại pha cái này, trộn cái kia để tạo thành ngôn ngữ nghe khó chịu đến vậy? Tiến sĩ Vĩnh Ðào cho rằng, chính sự vay mượn quá đà của nhiều người đã làm mất đi sự trong sáng, thanh tao vốn có của tiếng Việt.
Trong cuốn sách "Thư ngỏ gởi bạn trẻ Việt Nam muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mình", Tiến sĩ Vĩnh Ðào nhắn nhủ, ai cũng có thể tiếp nhận các giá trị của một nền văn hóa mới nhưng phải tôn trọng di sản văn hóa của tổ tiên có sẵn ở mỗi người. Không ai có thể từ bỏ nguồn gốc của mình dù đang sống ở đâu. Với tiếng Việt cũng thế, phải hiểu về nó thì mới biết cách nâng niu, giữ gìn thay vì thờ ơ, không coi trọng. Ông mong người trẻ sẽ bỏ nhiều thời gian tìm tòi, học hỏi để thấy rằng tiếng Việt phát triển đến ngày nay là cả một hành trình rất đáng trân trọng. Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen cho rằng, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, tiếng Việt có được như ngày nay là cả một quá trình tự hoàn thiện thông qua việc tiếp thu có chọn lọc nhiều cái mới. Không phải cái mới nào cũng xấu, cũng cần loại bỏ. Do đó, trên hành trình giữ gìn và phát triển tiếng Việt, người trẻ ngày nay rất cần sự khoan dung cũng như những hướng dẫn tận tình từ thế hệ đi trước để hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu đủ về cái hay, cái đẹp của tiếng Việt. Muốn yêu thì phải biết, phải hiểu. Người trẻ cần có môi trường học tập, tìm hiểu, nghiên cứu về tiếng mẹ đẻ từ gốc để có cái nhìn toàn diện, nếu không họ sẽ thấy xa lạ, khó hiểu, dần dần ngó lơ.