Cả hai dự án đường cao tốc này đang đối mặt nhiều khó khăn, vướng mắc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, có nguy cơ bị “vỡ tiến độ” nếu như không được chính quyền địa phương vào cuộc hỗ trợ kịp thời.
Máy móc “đắp chiếu”
Theo báo cáo của doanh nghiệp dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, đến thời điểm này, trên tổng số đoạn tuyến dài 52 km qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, cơ quan chức năng địa phương mới bàn giao mặt bằng thi công cho dự án hơn 16 km (đạt 31,2%). “Nhiều gói thầu vẫn đang bị cản trở thi công bởi công tác giải phóng mặt bằng của tỉnh Lạng Sơn chậm, việc phê duyệt tiểu dự án giải phóng mặt bằng chưa được các cơ quan chức năng của tỉnh rất chậm, ngoài ra, thủ tục bồi thường, chi trả tiền cho người dân cũng chưa đáp ứng yêu cầu”, đại diện doanh nghiệp dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh bày tỏ lo ngại.
Xác định mặt bằng là điều kiện tiên quyết giúp dự án về đích đúng hẹn, doanh nghiệp dự án, nhà thầu đã tự “bỏ tiền túi” chục tỷ đồng để tạm ứng trước cho người dân, chi trả 50% tiền giải phóng mặt bằng nhưng việc vận động người dân bàn giao mặt bằng ở khu vực này khá phức tạp.
Nhiều vị trí trên tuyến tuy đã được bàn giao mặt bằng nhưng không triển khai thi công đồng loạt được do vướng đường điện chưa di dời. |
“Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã phân bổ chỉ tiêu đất giao thông cho hai huyện Văn Lãng và Tràng Định, tuy nhiên vẫn còn thiếu hơn 161 ha. Doanh nghiệp dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh đề xuất các cấp có thẩm quyền sớm xem xét, bổ sung chỉ tiêu đất giao thông với diện tích còn thiếu đồng thời xác lập kế hoạch chi tiết bàn giao mặt bằng cho nhà thầu tổ chức triển khai thi công”, đại diện doanh nghiệp dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh kiến nghị.
Tại gói thầu EC01, đoạn tuyến từ Km27+500 đến Km38, đi qua địa phận xã Hùng Việt, huyện Tràng Định (Lạng Sơn), chúng tôi chứng kiến những chiếc máy ủi, máy lu, máy xúc, ô tô chở đất vẫn nằm im một góc công địa bởi chưa có mặt bằng thi công. Đại diện nhà thầu lo lắng bởi theo kế hoạch, mặt bằng đoạn tuyến hơn 10 km này sẽ được bàn giao toàn bộ vào cuối tháng 10/2024. Tuy nhiên, tại thời điểm này, địa phương mới bàn giao được 1,2 km nhưng thực tế thi công chỉ được khoảng 600 m do vướng nhà ở, đất canh tác nông nghiệp của các hộ dân.
Thúc tiến độ bàn giao mặt bằng dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh
“Đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng 80 đầu máy, thiết bị và 200 cán bộ, công nhân, hoàn toàn có thể triển khai nhiều mũi thi công, nhưng do diện tích mặt bằng đã giải tỏa rất ít nên hiện chỉ có khoảng 10 đầu máy và 25 nhân lực thi công cầm chừng, thời gian làm việc mỗi ngày của công nhân chỉ kéo dài 4-5 tiếng, khiến sản lượng thực hiện chưa đáng kể”, một vị cán bộ chỉ huy công trường của nhà thầu cố nén tiếng thở dài.
Do diện tích mặt bằng giải tỏa rất ít, nhân lực và phương tiện thi công cầm chừng, thời gian làm việc mỗi ngày của công nhân chỉ kéo dài 4-5 tiếng, khiến sản lượng thực hiện chưa đáng kể. |
Vị cán bộ này cũng khẳng định, đơn vị luôn làm việc với tinh thần địa phương bàn giao mặt bằng đến đâu, nhà thầu sẽ đưa máy móc vào thi công luôn tới đó, tuy nhiên, do bàn giao mặt bằng kiểu “xôi đỗ", “xen kẹt", nhà thầu rất khó đẩy nhanh tiến độ và hiện đang chịu thiệt hại không nhỏ. “Với tình trạng này, ước tính một tháng, nhà thầu sẽ phải bù lỗ khoảng 1 tỷ đồng chi phí khấu hao nhân lực và máy móc. Riêng tiền lương cho nhân công đã lên tới khoảng 400 triệu đồng", đại diện nhà thầu lo lắng.
Do đó, nhà thầu kiến nghị các cơ quan chức năng địa phương có biện pháp tuyên truyền, vận động, đẩy nhanh công tác giải tỏa, đền bù và bàn giao toàn bộ mặt bằng “sạch” cho nhà thầu có công địa triển khai thi công “3 ca, 4 kíp”, phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ thông xe dự án vào đầu năm 2026 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đẩy nhanh tiến độ thi công
Tại dự án đường cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng, mục tiêu hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2026, nhưng hiện tại, nhà thầu cũng đang gặp vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng khiến công trường gần như ngừng trệ, thi công cầm chừng.
Huy động tới 58 kỹ sư và công nhân cùng 29 trang thiết bị tại Gói thầu EC02 (thiết kế và thi công xây dựng đường cao tốc, cầu đoạn Km14+500-Km30+087), nhà thầu vẫn chưa thể thi công chiều dài đoạn tuyến bởi vướng giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật đường điện chưa di dời, công tác tái định cư cho các hộ dân còn triển khai chậm trễ.
“Mũi thi công hiện tại chỉ là dọn dẹp mặt bằng, đào đắp nền đường. Hiện nay, đơn vị thi công đang tranh thủ thời tiết nắng ráo huy động tăng cường thiết bị, nhân lực nhằm đảm bảo tiến độ công trình. Tuy nhiên, nhà thầu chỉ thi công được một đoạn lại vướng đất, nhà ở hộ dân nên việc triển khai máy móc tại thực địa gặp rất nhiều khó khăn, không đạt hiệu quả năng suất,” đại diện nhà thầu than thở.
Nhà thầu tăng cường máy móc đắp đất, lu lèn những vị trí đã được bàn giao mặt bằng. |
Gói thầu EC02 của dự án chạy qua thôn Yên Thủy 1 (xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn), đại diện các cơ quan chức năng của địa phương cùng doanh nghiệp dự án đã họp với các hộ dân bị ảnh hưởng để tuyên truyền vận động, triển khai giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án. Ông Hoàng Văn Thuần, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho hay, tuyến đường hoàn thành sẽ là cầu nối quan trọng của hành lang kinh tế xuyên Á Nam Ninh-Lạng Sơn-Hải Phòng-Quảng Ninh, Việt Nam là cửa ngõ giao thương với Trung Quốc và Đông Nam Á.
Gỡ khó, sớm triển khai tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng
Đây là công trình góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế-xã hội của địa phương, người dân sinh sống trên địa bàn sẵn sàng đồng ý bàn giao mặt bằng. Ông Hoàng Văn Sâm, một hộ dân trong thôn bày tỏ ủng hộ, nhất trí về chủ trương thu hồi đất của Nhà nước để thực hiện dự án. Gia đình ông cũng nhất trí với kết quả kiểm đếm năm 2018 và đề nghị chính quyền xem xét, bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng để người dân sớm an cư, lạc nghiệp.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng (doanh nghiệp dự án), hiện tại địa phương đã giải phóng được 12,68/59,87 km, tuy nhiên mặt bằng bàn giao chưa liền mạch, vẫn còn tình trạng “xôi đỗ, da báo”; diện tích bàn giao được 81,94/557,82ha (tương đương 19,33%), diện tích mặt bằng có thể tiếp cận thi công được trong phạm vi bàn giao 70,03/557,82 ha.
Do đó, Công ty kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh việc thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để kịp tiến độ thi công cũng như giải ngân vốn đầu tư dự án.
Tại cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện 2 dự án đường cao tốc trên qua tỉnh Lạng Sơn vào giữa tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đã nhấn mạnh: “Hai tuyến cao tốc đi qua địa bàn Lạng Sơn này là dự án trọng điểm quốc gia ngành giao thông vận tải, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng của cả nước cũng như hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Tuy nhiên, qua đánh giá, tiến độ thực hiện dự án bị chậm so với yêu cầu do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa thường xuyên, kịp thời”.
Ông Hồ Tiến Thiệu lưu ý, trong khi chưa hoàn thành đầy đủ thủ tục hành chính cho việc đền bù, hỗ trợ và tái định cư, các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định và thành phố Lạng Sơn cần tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân; linh hoạt trong tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng; ưu tiên giải phóng mặt bằng tại các mũi thi công theo kế hoạch đề xuất của doanh nghiệp dự án, các vị trí xây dựng cầu, hầm chui.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn yêu cầu cả hệ thống chính trị ở cơ sở vào cuộc vận động, tuyên truyền về giải phóng mặt bằng. |
Ủy ban nhân dân các huyện Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định khẩn trương thực hiện, hoàn thành di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án; xây dựng các khu tái định cư bảo đảm có đất bố trí tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở, chậm nhất vào ngày 30/9 tới đây. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị, đẩy nhanh tiến độ thi công đối với phần mặt bằng đã bàn giao, ưu tiên thi công trước các vị trí cầu, hầm, công trình thoát nước,… để phù hợp với tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn dự án.