Trao quyết định phê duyệt nhà đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh

NDO - Chiều 5/12, tại thành phố Cao Bằng, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã trao quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh giai đoạn I cho Liên danh nhà đầu tư, đứng đầu là Tập đoàn Đèo Cả.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện lãnh đạo tỉnh Cao Bằng trao quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Cao Bằng trao quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã có Quyết định số 1629/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh theo phương thức đối tác công-tư (PPP) giai đoạn I là Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả-Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng ICV Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả-Công ty cổ phần Xây dựng công trình 568.

Trao quyết định phê duyệt nhà đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh ảnh 1

Đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng phát biểu.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh, Cao Bằng có 333km đường biên giới, nhưng địa hình chia cắt, khó khăn trong thông thương. Vì thế, dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh chính là minh chứng thể hiện khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, ước mơ về Cao Bằng kết nối, vươn xa để phát huy tiềm năng, lợi thế,... Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh Cao Bằng đã xác định tập trung cao độ, ưu tiên số 1 cho dự án này.

Thời điểm hiện tại, tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành các công tác chuẩn bị, có đủ các điều kiện để tổ chức khởi công dự án, ngay sau khi điều chỉnh chủ trương và phê duyệt điều chỉnh dự án, dự kiến sẽ khởi công dự án đầu Xuân mới 2024.

Trao quyết định phê duyệt nhà đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh ảnh 3

Phối cảnh công trình cầu trên tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh.

Thời gian vừa qua, tại dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Tập đoàn Đèo Cả đã nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với nhiều hầm xuyên núi cùng các cầu vượt thung lũng, rút ngắn 23km, đưa chiều dài tuyến xuống còn 121km; đồng thời giảm tổng mức đầu tư toàn dự án xuống còn gần 23 nghìn tỷ đồng (giảm gần một nửa so phương án ban đầu).

Trao quyết định phê duyệt nhà đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh ảnh 4

Phối cảnh công trình hầm Bản Giốc, cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh.

Giai đoạn I của dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh có chiều dài 93,35km, nền đường rộng 17m đối với các đoạn thông thường và 13,5m ở những đoạn phức tạp, vận tốc thiết kế 80km/giờ; tổng mức đầu tư 14.167 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026, thời gian hoàn vốn dự kiến 25 năm 3 tháng. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương và khu vực, góp phần phục vụ mục tiêu quốc phòng-an ninh.

Trao quyết định phê duyệt nhà đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh ảnh 5

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng phát biểu.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng đánh giá, điểm đặc biệt của dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh là dự án PPP giao thông đầu tiên thực hiện theo Nghị định số 63/2018/NĐ-CP và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư.

Mặc dù quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do quy định về PPP chưa hoàn thiện, thủ tục triển khai kéo dài nhưng tỉnh Cao Bằng và nhà đầu tư đã kiên trì theo đuổi mục tiêu hoàn thành dự án. Tập đoàn Đèo Cả xác định dự án này là “thao trường” để huấn luyện, đào tạo công nhân, kỹ sư và bộ máy quản lý, hợp tác với một số trường đại học, cao đẳng ngành giao thông đào tạo cho công nhân, kỹ sư, đưa ra các đề tài nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn tại dự án để xây dựng nguồn nhân lực.

Quá trình triển khai, dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh cũng áp dụng mô hình phương thức thực hiện và mô hình huy động vốn 3P+. Cụ thể, phương thức tổ chức nhà thầu thi công dự án đồng thời cũng là nhà đầu tư, thi công theo mô hình tổng thầu EC và EPC, huy động được sức mạnh tổng hợp, thay vì các nhà thầu đơn lẻ.

"Với mô hình huy động vốn 3P+, vốn đầu tư dự án được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, tăng hiệu quả huy động vốn, giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện dự án. Mô hình 3P thông thường có vốn ngân sách nhà nước, vốn chủ sở hữu và vốn tín dụng. Với mô hình 3P+, vốn ngân sách nhà nước có vốn của trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, tham gia dự án có nhiều doanh nghiệp, ngoài vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, vốn tín dụng còn có vốn trái phiếu, vốn hợp tác đầu tư và nguồn vốn khác", ông Hồ Minh Hoàng nhận định.