Tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) chính là lối mở, đòn bẩy đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, kết nối Cao Bằng với các tỉnh biên giới và đặc biệt kết nối với Thủ đô Hà Nội, trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của cả nước.
Biến không thể thành có thể
Từ bao lâu nay, muốn tiếp cận với các trung tâm chính trị, kinh tế-xã hội lớn của đất nước như Hà Nội và các tỉnh dưới xuôi, người dân Cao Bằng không còn lựa chọn nào khác ngoài hệ thống giao thông đường bộ gồm hai tuyến quốc lộ 3 (Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng) và quốc lộ 4A (Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng), thời gian di chuyển từ 7 đến 8 giờ, qua những khu vực địa hình hiểm trở.
Tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh đã được Bộ Giao thông vận tải lập quy hoạch có chiều dài 144km, tổng vốn đầu tư hơn 47 nghìn tỷ đồng. Đây là dự án rất khó khăn cả về địa hình, địa chất, yếu tố kỹ thuật, thủ tục pháp lý, đặc biệt là nhu cầu vốn rất lớn. Đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến quan tâm, tìm hiểu, khảo sát nhưng họ đều “một đi không trở lại”, vì thế trong nhiều năm qua, dự án này vẫn chưa thể triển khai thực hiện.
Cao Bằng phấn đấu khởi công dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh vào cuối năm 2023
Năm 2019, tỉnh Cao Bằng đã mời Tập đoàn Đèo Cả về tham gia nghiên cứu triển khai dự án. Quy hoạch ban đầu dự kiến triển khai sau năm 2030, đã được đơn vị tham mưu địa phương đề xuất Thủ tướng chấp thuận triển khai sớm trước năm 2030 để có cơ sở nghiên cứu, triển khai dự án.
Phối cảnh hầm Bản Giốc trên tuyến Đồng Đăng- Trà Lĩnh. |
Với kinh nghiệm xây dựng thành công các công trình trọng điểm của ngành giao thông, Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với hầm xuyên núi cùng cầu vượt thung lũng, rút ngắn chiều dài tuyến xuống còn dưới 100 km, giảm tổng mức đầu tư xuống còn khoảng 23 nghìn tỷ đồng, giảm gần một nửa so với phương án ban đầu.
“Tuy nhiên, tổng mức đầu tư hơn 20 nghìn tỷ đồng trong bối cảnh thời điểm đó tỉnh Cao Bằng còn rất khó khăn, bắt buộc nhà đầu tư đề xuất dự án phải tiếp tục có những giải pháp phân kỳ đầu tư với giai đoạn 1 khoảng 14 nghìn tỷ đồng để việc thực hiện dự án trở nên khả thi. Lưu lượng thấp là một trong những thách thức lớn nhất khiến rất nhiều nhà đầu tư lên phương án rồi lại bỏ cuộc”, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả nhớ lại.
Ngày 29/5/2021, trong chuyến đi kiểm tra thực tế toàn tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã yêu cầu tỉnh Cao Bằng phối hợp cùng nhà đầu tư nghiên cứu điều hướng tuyến nhằm tối ưu bài toán tài chính tổng thể cho phát kinh tế vùng, phải kết nối đến các cửa khẩu, khu kinh tế, dịch vụ.
Đặc biệt, tại dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, lần đầu tiên tỉnh Cao Bằng đã tổ chức thi tuyển kiến trúc với trị giá giải thưởng lên đến 1 tỷ đồng, nhằm tạo điểm nhấn cảnh đối với các công trình đặc biệt như hầm, cầu, nút giao, trạm dừng nghỉ, giống như 1 điểm tham quan, thu hút du khách, phương tiện, giúp tạo đòn bẩy cho lưu lượng “biến dòng người thành dòng tiền”, đa dạng các nguồn vốn, địa phương cũng dồn toàn lực kỳ trung hạn 2021-2025 để góp vốn mồi.
Dự án hình mẫu theo phương thức PPP
Có một điều đặc biệt, Đồng Đăng-Trà Lĩnh là dự án “thí điểm” các chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) mới. Đây là dự án PPP giao thông đầu tiên thực hiện theo Nghị định 63 và sau này cũng là dự án đầu tiên thực hiện theo Luật PPP. Nhiều vướng mắc phát sinh khi các Thông tư, Nghị định chưa hoàn thiện, thủ tục bị kéo dài nhưng Cao Bằng và nhà đầu tư đề xuất dự án đã kiên trì theo đuổi đến cùng.
Dự kiến sẽ khởi công tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh trong tháng 12/2023
Theo tính toán, thực tế phương thức đầu tư PPP so với việc chọn hình thức đầu tư công thì dự án đã tiết kiệm được cho ngân sách hơn 10 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 4.500 tỷ đồng là phần vốn của nhà đầu tư, 6.000 tỷ đồng từ ngân sách khi Nhà nước sẽ phải bỏ ra cho chi phí vận hành, bảo trì trong suốt vòng đời dự án gần 25 năm.
|
“Dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh đã đi được một chặng đường dài, chứng kiến sự quyết tâm rất lớn của các bên tham gia, từ địa phương đến doanh nghiệp và ngân hàng bằng rất nhiều nỗ lực, sáng tạo vượt khó. Đây sẽ là dự án minh chứng cho mô hình hợp tác công-tư đi vào hiện thực, là lối thoát duy nhất cho các nước đang phát triển và sự chọn lựa cho các địa phương thoát nghèo”, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đánh giá.
Trong bối cảnh Luật PPP ban hành nhưng rất ít dự án PPP được triển khai, thậm chí một số dự án đã phải chuyển đổi sang hình thức đầu tư công, kéo dài thủ tục, tiêu tốn thêm nhiều vốn ngân sách thì dự án PPP Đồng Đăng-Trà Lĩnh như một mô hình mẫu để nhân rộng. Chính sách được tháo gỡ kịp thời sẽ tạo hành lang quan trọng để lĩnh vực PPP phát triển theo đúng kỳ vọng, tạo nguồn lực phát triển, mang lại lợi ích tổng thể cho đất nước, người dân và doanh nghiệp.