Cung đường “đứt gãy” Hiện, trên tuyến quốc lộ 1
từ Hà Nội lên Lạng Sơn, đoạn cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đã được đưa vào khai thác từ đầu năm 2016, đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn (Chi Lăng) cũng đã vận hành từ ngày 15-1-2020. Tuy nhiên, từ Chi Lăng tới TP Lạng Sơn và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (thuộc phạm vi đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng) chưa được đầu tư theo quy mô tiêu chuẩn cao tốc, bị “đứt gãy” cung đường, làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư và phát triển của tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn cũng như nền kinh tế và chưa có cơ sở để kết nối và triển khai tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Hiếm có công trình đường cao tốc nào lại có số phận long đong như dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, phân đoạn cuối cùng trong quy hoạch tổng thể tuyến cao tốc từ Hà Nội đến Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Mặc dù đã được đầu tư rất lớn, nhưng tuyến cao tốc hướng tâm từ Hà Nội lên Lạng Sơn dài 110 km, gồm hai dự án Hà Nội - Bắc Giang (dài 45,8 km) và Bắc Giang - Lạng Sơn (Chi Lăng) dài 64 km vẫn còn một “mạch hở” khi đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vẫn chưa thể xác định thời điểm triển khai. Việc kết thúc dự án “chơi vơi” cách TP Lạng Sơn 30 km và cửa khẩu Hữu Nghị 43 km, khiến cung đường còn lại lên đầu mối thông thương quan trọng này vẫn phải mượn tuyến quốc lộ 1 chỉ với hai làn xe được cải tạo cách đây hơn 20 năm và đã xuống cấp, mãn tải.
Việc phân kỳ đầu tư theo hướng co lại quy mô đầu tư để tiết giảm chi phí trong giai đoạn I đang được coi là phương án tối ưu, lời giải bài toán trọn vẹn nhất về tính khả thi tài chính, giúp dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT “về đích”. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành và bổ sung thêm phương án phân kỳ quy mô đầu tư (ngoài hai phương án tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất trước đó) theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Cụ thể, UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) và đầu tư nền đường, công trình trên tuyến theo quy mô bốn làn xe hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 22 m; mặt đường phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn. Trong đó, đoạn từ Chi Lăng đến nút giao quốc lộ 4 B, TP Lạng Sơn (Km 44+750 - Km17+420), dài 27,3 km, quy mô xây dựng bốn làn xe, bề rộng mặt đường 16 m; đoạn từ TP Lạng Sơn đến Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Km17+420 - Km1+800), dài 15,7 km, sẽ xây dựng quy mô hai làn xe, bề rộng mặt đường 12,5 m. Với phương án phân kỳ nêu trên, tổng mức đầu tư dự án giảm xuống còn khoảng 7.609 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư BOT 1.609 tỷ đồng; vốn vay ngân hàng thương mại 2.000 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 1.000 tỷ đồng; vốn ngân sách T.Ư 3.000 tỷ đồng; thời gian thu phí hoàn vốn dự án dự kiến khoảng 19 năm 5 tháng.
Tháo gỡ vướng mắc
Theo lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, với phương án đầu tư nêu trên, sẽ phù hợp quy hoạch phát triển đường cao tốc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thuận lợi, tiết kiệm chi phí và an toàn trong quá trình khai thác khi thực hiện đầu tư hoàn chỉnh mặt đường, làn dừng xe khẩn cấp ở giai đoạn sau. Để bảo đảm phương án tài chính, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, cân đối nguồn vốn ngân sách T.Ư trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025 với số tiền khoảng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ cho đoạn dự án thành phần 2, để tháo gỡ khó khăn, sớm tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng dự án, nối thông toàn tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, bảo đảm hiệu quả đầu tư dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi được Thủ tướng giao thay thế Bộ GTVT trong vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, UBND tỉnh Lạng Sơn đã cùng nhà đầu tư và Ngân hàng BIDV phân tích, xác định tổng nguồn vốn tham gia thực hiện đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Theo đó, dự án thành phần 2 cần khoảng 8.310 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia 1.750 tỷ đồng, vốn vay thương mại 3.400 tỷ đồng, ngân sách nhà nước 3.160 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với phần vốn vay thương mai, hiện mới chỉ có Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị cam kết góp 1.750 tỷ đồng và Ngân hàng BIDV cam kết cho dự án vay 2.000 tỷ đồng. Cuối tháng 9-2019, UBND tỉnh Lạng Sơn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương khoảng 1.000 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi, tăng thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, các nguồn vốn hợp pháp khác,... để tham gia dự án theo lộ trình đầu tư, vận hành khai thác dự án, đúng quy định pháp luật.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, dự án thành phần 2 đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng là công trình có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn và kết nối liên vùng, phục vụ xuất khẩu nông sản cho cả nước với thị trường Trung Quốc. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng ý phương án do UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất là triển khai dự án đến Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị với quy mô và tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng. Bộ cũng đang tham mưu Chính phủ, đưa dự án vào danh mục các dự án trọng điểm quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020 - 2025 để hỗ trợ tỉnh thực hiện dự án. Liên quan phương án phân kỳ đầu tư, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cần chọn phương án mà ngân sách tỉnh và nhà đầu tư phải bỏ ra ít nhất, Nhà nước chỉ phải hỗ trợ ít nhất nhưng vẫn đạt được mục tiêu là sớm thông được 43 km đường cao tốc từ Chi Lăng lên cửa khẩu Hữu Nghị. “Đây là công trình bắt buộc phải làm và làm sớm, không chỉ cho Lạng Sơn mà còn phục vụ phát triển giao thông cả nước, phục vụ cả nền kinh tế. Với tính chất cấp bách, quan trọng như vậy, dự án này có thể xếp vào danh mục các dự án trọng điểm, có thể coi như “quả đấm thép” về phát triển hạ tầng cho tỉnh Lạng Sơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43,6 km là đoạn tuyến cuối cùng nằm trong quy hoạch tổng thể tuyến cao tốc từ Hà Nội đến Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá đây là công trình giao thông huyết mạch, trọng yếu, có vai trò kết nối tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hải Phòng - Quảng Ninh. Theo Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng, nhà đầu tư chính tại dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, việc đóng “mạch hở” sớm được ngày nào, sẽ mở ra “cánh cửa” của cung đường tương lai vùng Đông Bắc ngày đó, tạo cơ hội thông thương, kết nối đồng bộ toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng.