Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công Dự án cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng

Sáng 21/4, tại xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính-Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải dự và phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng theo hình thức BOT. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Lễ khởi công.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Lễ khởi công.

Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công-tư, loại hợp đồng BOT, do Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án: 5.495 tỷ đồng (3.500 tỷ đồng ngân sách trung ương, 2.000 tỷ đồng ngân sách địa phương); vốn nhà đầu tư thu xếp: 5.529 tỷ đồng.

Giá trị phần vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình (không bao gồm chi phí của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký hợp đồng, bên mời thầu, chi phí của hội đồng thẩm định, đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư) là 3.719 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2026, thời gian thu phí và vận hành khai thác là 25 năm 8 tháng.

Dự án tuyến cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng đầu tư theo phương thức PPP loại hợp đồng BOT được thực hiện trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn với tổng chiều dài 60km. Trên tuyến bao gồm đoạn Hữu Nghị-Chi Lăng dài 43km, được thiết kế với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 17m; đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh-Cốc Nam dài 17km, với quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 14,5m.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công Dự án cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà động viên các đơn vị thi công trên công trường.

Dự án cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng hoàn thành góp phần giảm thiểu tai nạn, ách tắc xảy ra tại nút giao của cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn với quốc lộ 1. Đây là đoạn tuyến đầu của cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ cùng với Bắc Giang-Lạng Sơn và cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh đang triển khai, góp phần đồng bộ mạng lưới cao tốc, kết nối các cửa khẩu lớn của phía Bắc đến các trung tâm kinh tế lớn trên cả nước, góp phần tăng cường thông thương quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Dự án BOT cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn được hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2019. Tuy nhiên, dự án vẫn còn những vướng mắc kéo dài về phương án tài chính bởi cho đến thời điểm hoàn thành vẫn chưa có vốn ngân sách Nhà nước tham gia. Cùng với với các nguyên nhân khách quan như cắt giảm trạm thu phí, giảm giá vé… dẫn đến doanh thu thực tế rất thấp, hiện nay chỉ đạt khoảng 32% so với phương án tài chính ban đầu. Ngân hàng cung cấp tín dụng dừng giải ngân. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho nhà đầu tư, nhà thầu tham gia vào dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công Dự án cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng ảnh 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính với bà con nhân dân địa phương tại Lễ khởi công.

Ngày 6/3/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị xem xét hỗ trợ 5.600 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách Trung ương để bảo đảm phương án tài chính, tháo gỡ các vướng mắc tồn đọng tại dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn. Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng hoàn thành đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết bài toán lưu lượng và doanh thu của tuyến cao tốc “cụt” Bắc Giang-Lạng Sơn hiện nay.

Ngày 11/4/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ban hành quyết định số 688/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng theo hình thức BOT. Nhà đầu tư tham gia duy nhất và trúng thầu là liên danh Công ty cổ phần Xây dựng Đèo Cả-Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả-Công ty cổ phần Xây dựng công trình 568-Công ty cổ phần Lizen do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu. Đây cũng là nhà đầu tư đã “giải cứu” thành công cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn bị đình trệ nhiều năm. Tại dự án này, Liên danh nhà đầu tư áp dụng mô hình PPP++ là giải pháp đa dạng hoá nguồn huy động vốn cho các dự án đầu tư PPP hiện nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công Dự án cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng ảnh 3
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Lễ khởi công.

Theo mô hình này, nhà thầu tham gia đồng thời với vai trò nhà đầu tư thứ cấp, dự án được triển khai thi công theo mô hình tổng thầu thiết kế-thi công, hoặc thiết kế-cung cấp thiết bị-thi công nhằm tối ưu hiệu quả đầu tư bởi lợi nhuận từ nhà thầu thi công được góp trở lại vào vốn đầu tư dự án, lợi ích và trách nhiệm của nhà thầu gắn liền với lợi ích và trách nhiệm của nhà đầu tư, gắn liền với hiệu quả thực hiện, vận hành dự án.

Trong bối cảnh nhiều dự án được triển khai đồng loạt với nhiều khó khăn thách thức, Tập đoàn Đèo Cả đã áp dụng nhiều giải pháp để tối ưu hiệu quả thực hiện. Cụ thể: chủ động hợp tác với các đơn vị đào tạo để nâng cao tay nghề cho công nhân, khả năng thực hành và ứng dụng công nghệ cho kỹ sư; thông qua đào tạo để đúc kết nhằm cải tiến mô hình, nâng cao chất lượng quản lý, thi công cho doanh nghiệp; xác định mỗi công trường là một thao trường để rèn giũa đội ngũ cán bộ công nhân viên; tăng cường tập huấn quy tắc ứng xử, kỹ năng xử lý các vấn đề thực tế trên công trường dự án; tối ưu hóa quy trình sản xuất, xây dựng hệ thống quy trình, quy chế hoạt động; lợi nhuận phải được kiểm soát thông qua 3 tuyến phòng thủ: Tiền kiểm, hậu kiểm, phúc kiểm; ứng dụng công nghệ số, mô hình thông tin công trình (BIM) để kiểm soát hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, minh bạch trong thiết kế, tối ưu hóa chi phí thực hiện dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công Dự án cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng ảnh 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại lễ khởi công.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng bày tỏ, việc thực hiện dự án cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng có rất nhiều ý nghĩa quan trọng. Dự án hoàn thành sẽ hỗ trợ giải quyết bài toán lưu lượng, doanh thu thấp của tuyến “cao tốc cụt” Bắc Giang-Lạng Sơn hiện nay, là cơ sở để các bên khi tham gia các Dự án PPP ý thức được trách nhiệm của mình để khi gặp khó hãy cùng nhau kiên định đồng hành tháo gỡ. Khi làm các Dự án khó, tập đoàn đều xác định “Muốn thông đường thực địa, phải thông đường trách nhiệm”; qua đây các nhà đầu tư sẽ quyết tâm “thông đường Dự án” Cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng. Tập đoàn Đèo Cả nói riêng và Liên danh nhà đầu tư nói chung cam kết với Chính phủ, người dân sẽ thực hiện dự án với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ tiến không lùi”.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hôm nay, trong không khí vui tươi, phấn khởi của cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, 49 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tại vùng đất Chi Lăng–địa danh đi sâu vào tâm trí, tình cảm của nhân dân, Thủ tướng rất vui mừng cùng các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương dự Lễ khởi công Dự án tuyến cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng. Đây là công việc của lịch sử giao, phát triển hạ tầng chiến lược kết nối các vùng cả nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi đến quý vị đại biểu, toàn thể các đồng chí và đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thủ tướng nêu rõ, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2030 có 5.000km cao tốc trong đó có tuyến cao tốc chiến lược Bắc–Nam phía Đông; thúc đẩy 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng giao thông. Dự án này là tuyến cao tốc cuối cùng của Tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, nối Hà Nội với Lạng Sơn và Lạng Sơn với Cao Bằng. Dự án được giao Tập đoàn Đèo Cả thi công–đơn vị có uy tín trong thi công các tuyến cao tốc, hầm đường bộ.

Nếu xây dựng được tuyến cao tốc này thì sẽ có 6 ý nghĩa quan trọng: góp phần thực hiện mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra về phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2030; đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân Lạng Sơn và Cao Bằng, góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược; kết nối giao thông, kinh tế giữa ASEAN–Trung Quốc, Việt Nam–Trung Quốc, giữa 2 vùng kinh tế động lực là Vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng miền núi phía bắc; kết nối hai hành lang, một vành đai của Việt Nam với Vành đai con đường của Trung Quốc, kết nối Hà Nội-Lạng Sơn-Cao Bằng, Cao Bằng-Lạng Sơn-Quảng Ninh; mở ra không gian phát triển mới đặc biệt là với 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn với Quảng Ninh, Hải Phòng; góp phần nâng cao tinh thần chủ trương phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, tự chủ của địa phương; thực hiện chủ trương thực hiện hợp tác đối tác công-tư giữa Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp theo hình thức PPP, có sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công Dự án cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng ảnh 6

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng phát biểu ý kiến tại lễ khởi công.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng hoàn thành các thủ tục đầu tư của các bộ, ngành liên quan; đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh để chuẩn bị khởi công tuyến cao tốc này, để kết nối tuyến này lên tuyến cao tốc Đồng Đăng–Trà Lĩnh, kết nối 6 cặp cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã mạnh dạn nhận trách nhiệm của Chính phủ giao; cảm ơn nhân dân Lạng Sơn nơi có dự án đi qua đã nhường đất cho dự án.

Thời gian tới, công việc công việc phía trước còn nhiều vì đến 2025 phải hoàn thành thông xe dự án, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục đồng hành với Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền chủ động, linh hoạt, nếu vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với hai tỉnh với tất cả trách nhiệm, không đùn đẩy, né tránh.

Đối với địa phương, Thủ tướng đề nghị phát huy tính tự lực, tự cường, tinh thần trách nhiệm trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới trong thi công tuyến cao tốc này để bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, kỹ mỹ thuật, quản lý Nhà nước thật tốt dự án.

Đối với nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị làm đúng luật, tránh tiêu cực, lợi ích nhóm, bảo đảm việc chỉ đạo thi công đúng tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, tiêu chuẩn theo quy định. Địa phương và doanh nghiệp tiếp tục chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã nhường đất cho dự án, di dời đến nơi ở mới có đời sống ít nhất bằng hoặc hơn nơi ở cũ.

Với các nhà thầu tư vấn, giám sát phải thực hiện đúng quy định của Nhà nước về tiến độ, chất lượng công trình, kỹ mỹ thuật, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phải hoàn nguyên sau thi công, bảo đảm môi trường sạch đẹp.

Với tinh thần công việc nhiều, yêu cầu thì cao, thời gian ngắn, các nhà thầu thi công, tư vấn, giám sát thực hiện "3 ca, 4 kíp", làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết, "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "chỉ bàn làm, không bàn lùi" để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra. Thủ tướng mong nhân dân tiếp tục ủng hộ việc thi công dự án theo đúng tiến độ, mục tiêu đề ra; tiếp tục hỗ trợ các nhà quản lý, nhà thầu thực hiện đúng yêu cầu của dự án.

Thủ tướng cảm ơn lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đồng bào nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã cổ vũ cho dự án cuối cùng nối tuyến cao tốc chiến lược bắc-nam phía đông từ Cao Bằng qua Lạng Sơn về Hà Nội, đi Huế, nối Thành phố Hồ Chí Minh về Cần Thơ, đến Mũi Cà Mau. Hy vọng với tinh thần, khí thế này, chúng ta sẽ hoàn thành mục tiêu phát triển tuyến cao tốc theo mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra với sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi đó sẽ có không gian phát triển mới, kết nối các vùng miền, kết nối Việt Nam với ASEAN, Trung Quốc, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao.

Nhân khởi công công trình này, Thủ tướng đánh giá cao Lạng Sơn đã hưởng ứng Phong trào thi đua “Xoá nhà tạm, nhà dột nát” đến năm 2025, với việc huy động các nguồn lực với tinh thần “Tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”. Thủ tướng nêu rõ, phong trào thi đua này phải mang tính toàn dân, “Ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít” để xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ nghèo.

Thủ tướng cũng biểu dương các ngân hàng đã tài trợ cho nhà đầu tư vay vốn; mong các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và các ngân hàng đã cam kết, đã hứa thì phải thực hiện; đã làm thì phải có kết quả cụ thể, "cân, đong, đo, đếm" được.

Nhân sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn trao quà tặng của Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ cho 30 hộ dân trong vùng dự án trên địa bàn, mỗi hộ 1 nhà Đại đoàn kết trị giá 50 triệu đồng.

Thủ tướng cũng đã tặng quà động viên các đơn vị thi công trên công trường.

* Tiếp đó, Thủ tướng kiểm tra thi công Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B có tổng chiều dài 107km, đoạn Lạng Sơn-Quảng Ninh. Thủ tướng chỉ đạo cần kiểm soát tiến độ dự án, đặc biệt là làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; chính quyền các cấp phải vào cuộc vận động, thuyết phục, nhân dân; làm tốt công tác tái định cư cho nhân dân, nhất là khuyến khích tái định cư tại chỗ, sớm ổn định cuộc sống cho người dân. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện phải tích cực, sớm có các chính sách phù hợp cho nhân dân, bảo đảm người dân trong vùng dự án di dời đến nơi ở mới có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Thủ tướng lưu ý các cơ quan chức năng của tỉnh phải vào cuộc để kiểm tra, giám sát, tránh hiện tượng thông thầu, bán thầu, đội vốn, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa của dự án khi tăng cường kết nối Lạng Sơn với Quảng Ninh, cũng như kết nối với Trung Quốc. Thủ tướng đề nghị các chính sách đưa ra phải bảo đảm linh hoạt, hiệu quả.

Trên công trường, Thủ tướng trao quà của Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Lạng Sơn cho một số bà con huyện Cao Lộc (50 triệu đồng/hộ).