Mang tuồng cổ đến trường học

"Ngoài biên cương gió tung bụi mù mịt mờ. Giặc xâm lăng tấn công lan tràn cõi bờ…". Khi hai câu hát mở đầu cho phần trích đoạn "Khói lửa biên thùy" vang lên tại Trường trung học phổ thông Gia Định (quận Bình Thạnh), gần 1.000 học sinh có mặt không rời mắt khỏi sân khấu. Hôm đó là ngày đặc biệt khi các nghệ sĩ Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long về biểu diễn tại trường.
0:00 / 0:00
0:00
Các nghệ sĩ của Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long biểu diễn trích đoạn "Khói lửa biên thùy" tại Trường THPT Gia Định.
Các nghệ sĩ của Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long biểu diễn trích đoạn "Khói lửa biên thùy" tại Trường THPT Gia Định.

Ngay lúc nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh, Huy chương vàng Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2022 bước ra sân khấu với bộ giáp hai mầu đỏ và bạc cùng chiếc mão cầu kỳ, sân trường Gia Định ngập trong thanh âm của tiếng vỗ tay, hò reo. Các học sinh tỏ ra vô cùng thích thú trước tạo hình đẹp mắt của nam nghệ sĩ khi hóa thân vào vai một vị tướng cùng nét diễn oai phong, vũ đạo đậm chất cải lương tuồng cổ.

Diễn cùng nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh trong trích đoạn này là nghệ sĩ trẻ Cao Mỹ Châu. Phần phối hợp ăn ý từ cách ca cải lương đến trình diễn vũ đạo của hai nghệ sĩ cùng thông điệp hào hùng của trích đoạn nổi tiếng khiến nhiều học sinh đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Các em không nghĩ, cải lương tuồng cổ lại đẹp và dễ cảm nhận đến vậy.

Gần sáu năm nay, nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh đã dần quen với các chương trình biểu diễn cải lương tại trường học. Khác với sân khấu truyền thống, khi đến với học sinh, sinh viên, anh luôn ưu tiên những trích đoạn có phần thể hiện gần gũi, thông điệp rõ ràng, mang tính giáo dục cao. Sử Việt là nội dung xuất hiện trong nhiều trích đoạn.

Nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh chia sẻ: "Diễn cho học sinh, trước tiên ăn mặc, trang điểm phải đẹp, động tác phải lôi cuốn, sau đó tới phần nội dung, thông điệp cứ đi từng bước. Chúng tôi tạo bản dựng về lịch sử bằng cải lương để các em học sinh có thể nhận ra điều quen thuộc sau trang sách. Chúng tôi muốn chung tay giúp các em thấy được cái hay của những câu chuyện ông cha để lại và càng thêm thấu hiểu sự hy sinh của người đi trước, thêm có ý thức giữ gìn truyền thống dân tộc".

Trước đó, nghệ sĩ Thái Vinh, Giám đốc điều hành Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long và nữ nghệ sĩ Phạm Huyền Trâm cũng mang đến phần trình diễn ấn tượng, đầy ý nghĩa cho khán giả trẻ ngay tại sân trường. Không chỉ biểu diễn các trích đoạn hay, giàu chất sử, thông điệp hào hùng, các nghệ sĩ còn dành nhiều thời gian giao lưu, giới thiệu những nét đặc trưng về trang phục, đạo cụ và nhiều động tác vũ đạo đẹp mắt khiến học sinh say sưa lắng nghe, tò mò tập làm theo.

Khi các nghệ sĩ hỏi "Có ai, bạn nào muốn mặc thử bộ giáp cải lương tuồng cổ và tập vài vũ đạo ngay tại đây không?", Hồ Tấn Phong (học sinh lớp 10 chuyên Lý) lập tức xung phong. Phong được đưa vào phòng phục trang để thay giáp, tập vũ đạo. Gần 20 phút sau, thấy Phong xuất hiện trong bộ giáp lấp lánh sắc mầu cùng đạo cụ biểu diễn trên tay, các học sinh bên dưới liên tục hò reo.

Phong hơi bối rối do không có thời gian luyện tập nhiều nhưng khi kết thúc phần biểu diễn ngắn, em cười thật tươi, cảm ơn rối rít vì được các nghệ sĩ tạo điều kiện cho bản thân trải nghiệm cái hay, cái đẹp của nghệ thuật cải lương tuồng cổ, bộ môn mà từ trước đến nay em chưa một lần biết đến. "Em mới mặc lớp giáp mỏng đã thấy rất nóng, nặng và khó di chuyển. Vậy mà các nghệ sĩ mặc rất nhiều lớp trang phục, đội thêm mũ mão và các phụ kiện rất cồng kềnh mà vẫn ca hay, diễn đẹp, em thấy ngưỡng mộ vô cùng.

Thông điệp các trích đoạn không quá khó hiểu, phần trình diễn đẹp mắt và các nghệ sĩ rất thân thiện. Em mong nhà trường sẽ có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như vậy để tụi em thêm hiểu, thêm yêu các loại hình nghệ thuật truyền thống", Phong vui vẻ cho hay.

Xem xong các tiết mục biểu diễn, Ngô An Nhi (học sinh lớp 10TH1) vội quay sang nói với các bạn ngồi gần bằng chất giọng đầy hào hứng: "Mình không nghĩ là cải lương tuồng cổ hay và nghệ sĩ hóa thân vào các nhân vật với trang phục đẹp đến vậy, vũ đạo độc đáo nữa. Đây là lần đầu xem cải lương nhưng mình thích luôn rồi. Tối nay về mình sẽ lên mạng tìm hiểu thêm".

Ngày hôm nay, thay vì học tại lớp, nhà trường đã dành ba tiết học để tổ chức chương trình biểu diễn đặc biệt này nhằm mang đến những trải nghiệm thú vị cho học sinh. Việc đưa cải lương tuồng cổ về trường học là một trong những hoạt động của Trường trung học phổ thông Gia Định chọn để bổ trợ cho môn "Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp" của học sinh khối 10. Đây là năm học đầu tiên học sinh khối 10 bắt đầu triển khai chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo với nhiều yêu cầu đổi mới về cách tổ chức dạy và học.

Từ đầu năm học tới nay, Trường trung học phổ thông Gia Định đã chủ động đưa học sinh ra ngoài tham gia nhiều hoạt động mới mẻ theo đúng tinh thần của môn học. Riêng về yếu tố tìm hiểu nghệ thuật dân tộc và văn hóa địa phương, nhà trường ưu tiên tổ chức các chương trình giới thiệu, trải nghiệm các loại hình nghệ thuật dân tộc, nhạc cụ dân tộc nhằm giúp học sinh biết thêm, hiểu rõ về những bộ môn mà thường ngày ít có cơ hội tiếp cận. "Một trong những nhiệm vụ của giáo dục là giúp cho học sinh có ý thức bảo tồn nét đẹp của văn hóa, nghệ thuật dân tộc và phát huy những điều tốt đẹp.

Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đưa học sinh ra khỏi khuôn viên lớp học để tìm hiểu thêm những điều thú vị về nghệ thuật, đời sống, nghề nghiệp…", thầy giáo Tô Lâm Viễn Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Gia Định cho hay.

Sau Trường trung học phổ thông Gia Định, một số trường trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai hoạt động này trong khuôn khổ môn học "Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp". Thêm nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống khác sẽ được chọn nhằm mang đến cho học sinh góc nhìn mới, cơ hội trải nghiệm, làm quen, từ đó có ý thức giữ gìn và phát huy vốn quý của dân tộc.