Luồng sinh khí mới cho Eurozone

Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa chính thức giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2019 được coi là “cú đẩy” tích cực cho nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vốn đang đối mặt nhiều khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN.
Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN.

ECB đã chính thức hạ lãi suất chủ chốt xuống 3,75%, đánh dấu lần cắt giảm đầu tiên trong vòng 5 năm. Đây là động thái đáng chú ý trong bối cảnh áp lực lạm phát dai dẳng ở khu vực đồng euro gồm 20 quốc gia. Theo dự báo của ECB, lạm phát của khu vực này trong năm 2024 và 2025 sẽ cao hơn dự kiến, lần lượt đạt 2,5% và 2,2%, tăng so với các mức 2,3% và 2% được đưa ra trước đó. Trả lời phỏng vấn tạp chí Financial Times, Nhà kinh tế trưởng của ECB Philip Lane cho rằng các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng cần giữ lãi suất trong phạm vi hạn chế trong năm nay để bảo đảm lạm phát tiếp tục giảm và không bị “kẹt” ở trên mức mục tiêu.

ECB nhấn mạnh, giảm lãi suất là cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và bảo đảm rằng lạm phát được duy trì gần mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Hội đồng điều hành ECB nêu rõ dựa trên đánh giá cập nhật về triển vọng và các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát cũng như chính sách tiền tệ, hội đồng cho rằng đã đến lúc điều chỉnh mức độ hạn chế của chính sách tiền tệ sau 9 tháng giữ lãi suất ổn định.

Một số nhà quan sát chỉ ra rằng thời điểm ECB giảm lãi suất trong tuần này là bất thường, vì Ngân hàng Trung ương châu Âu thường chỉ tung ra biện pháp nới lỏng tiền tệ như vậy để đối phó với một cuộc khủng hoảng, như sau sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers hồi năm 2008 tại Mỹ, hoặc khi Hy Lạp cần một loạt gói cứu trợ vào năm 2011. Lần giảm lãi suất gần đây nhất của ECB vào tháng 9/2019 là nhằm phản ứng trước tình trạng tăng trưởng suy yếu và lạm phát giảm xuống dưới mục tiêu 2%.

Trong báo cáo Đánh giá ổn định tài chính 6 tháng một lần, ECB cho rằng các điều kiện kinh tế đã cải thiện so với bản đánh giá 6 tháng trước đây, “bức tranh kinh tế” đã sáng sủa hơn song triển vọng vẫn còn mong manh. Theo Phó Chủ tịch ECB, ông Luis de Guindos, rủi ro suy thoái nặng nề trong ngắn hạn cùng với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đã giảm đáng kể vào thời điểm hiện nay. Trong khi đó, đánh giá về sự ổn định tài chính cách đây 6 tháng cho thấy vấn đề thất nghiệp gia tăng vẫn là mối quan ngại lớn của nhiều nước khu vực.

Theo ECB, sự cải thiện nói trên là nhờ lạm phát của Eurozone đang có chiều hướng giảm, ở mức 2,4% trong tháng 4 vừa qua, gần với mức mục tiêu 2% do thể chế tài chính có trụ sở ở Frankfurt (Đức) đặt ra. Tuy nhiên, ông Luis de Guindos cảnh báo viễn cảnh phát triển kinh tế vẫn không thực sự khả quan trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị với các cuộc xung đột tại Ukraine và tại Gaza không chỉ tiềm ẩn rủi ro đối với sự ổn định tài chính của Eurozone, mà còn với cả sự ổn định tài chính toàn cầu.

Trong báo cáo của mình, ECB lưu ý sự gia tăng căng thẳng địa chính trị trên thế giới có thể ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng, làm gia tăng lạm phát và bào mòn niềm tin của giới đầu tư vào triển vọng tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, giới hoạch định chính sách kinh tế trên phạm vi toàn cầu vẫn chưa thể chắc chắn về đường hướng chính sách, trong bối cảnh hàng loạt cuộc bầu cử diễn ra trong năm 2024. Báo cáo cũng lưu ý các điều kiện tài chính thắt chặt tiếp tục đè nặng lên nhóm các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ dễ bị tổn thương hơn trong Eurozone. Thị trường bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực thương mại, cũng tiếp tục bị suy thoái.

Để hỗ trợ nền kinh tế, năm ngoái ECB đã tăng lãi suất tiền gửi lên mức kỷ lục 4%. Theo đó, nền kinh tế Eurozone đã có dấu hiệu phục hồi trong quý I vừa qua, khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khối tăng 0,3% so với quý trước đó và chấm dứt một năm trì trệ. Để lạm phát giảm xuống mức mục tiêu 2% vào mùa hè năm tới, Eurozone cần sự kết hợp giữa tốc độ tăng lương chậm lại, năng suất lao động tăng và tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp giảm. Theo ông Hollingsworth, Nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Berenberg của Đức, để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tăng trưởng ổn định và đạt mục tiêu lạm phát ở mức 2%, ECB cần sử dụng hiệu quả chính sách lãi suất tác động vào thị trường nhà đất, các lĩnh vực đầu tư và chi tiêu tiêu dùng của châu Âu.

Theo các nhà phân tích, bằng cách bắt đầu hạ lãi suất trở lại, ECB chuẩn bị “thổi luồng sinh khí mới” vào thị trường nhà đất, đầu tư kinh doanh và chi tiêu tiêu dùng của châu Âu.