ECB thúc đẩy cam kết hạ nhiệt lạm phát

Lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng sức ép giá thực phẩm và đồ dùng thiết yếu được dự đoán tiếp tục đè nặng lên người tiêu dùng. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thận trọng khi cho rằng, các chỉ số về áp lực lạm phát cơ bản ở Eurozone vẫn ở mức cao và nhiều khả năng ngân hàng này phải tiếp tục tăng lãi suất nhằm thực hiện cam kết kiềm chế lạm phát ở mức mục tiêu 2%.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Mọi sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc họp chính sách của ECB, dự kiến ngày 15/6 tới. Giới chuyên gia nhận định, ngân hàng này có thể sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm. Phát biểu tại phiên điều trần của Nghị viện châu Âu (EP), Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho rằng, một vài chỉ số có dấu hiệu cải thiện, song không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy lạm phát cơ bản đã lên đến đỉnh. ECB lo ngại áp lực về lương còn đẩy lạm phát lên cao.

Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), trong tháng 5 vừa qua, lạm phát cơ bản (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) của Eurozone đã giảm nhẹ còn 5,3%, trong khi lạm phát toàn phần giảm đáng kể xuống 6,1%, so với mức 7% của tháng 4. Tại ba nền kinh tế lớn nhất Eurozone gồm Ðức, Pháp và Italia, lạm phát xuống lần lượt các mức 6,1%, 5,1% và 7,6%. Tại Tây Ban Nha lạm phát cũng giảm còn 3,2%, từ 4,1% của tháng 4, nhờ chi phí nhiên liệu giảm. Văn phòng Thống kê Liên bang Ðức (Destatis) cho biết, giá bán buôn trong tháng 4 đã giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Ðây cũng là lần đầu tiên giá bán buôn hằng năm ở nền kinh tế đầu tàu châu Âu giảm kể từ tháng 12/2020.

Sau cú sốc lạm phát kỷ lục do tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine, xu hướng giá cả tăng mạnh tại nhiều nước châu Âu bắt đầu có dấu hiệu chậm lại, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có thể sớm thoát khỏi tình trạng lạm phát leo thang chóng mặt vừa qua. Ðây được xem là dấu hiệu tích cực cho thấy giá hàng hóa có thể sẽ đi xuống sau khi chạm đỉnh ở mức hai chữ số vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, có thể phải nhiều tháng nữa người tiêu dùng mới cảm thấy thật sự nhẹ gánh khi mua sắm tại các cửa hàng. Mức tăng giá tiêu dùng hiện vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của ECB.

Lạm phát ở Eurozone hạ nhiệt chủ yếu do giá năng lượng trong tháng 5 giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2022, sau khi tăng 2,4% trong tháng 4. Trong khi đó, giá thực phẩm tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng thấp hơn mức tăng 13,5% ghi nhận vào tháng 4. Theo Nhà kinh tế học Rory Fennessy (R.Phen-nê-xi) tại Oxford Economics, lạm phát ở Eurozone đang hạ nhiệt trên diện rộng, chủ yếu do giá lương thực, năng lượng và lạm phát cơ bản đều giảm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos, đây là những thông tin tích cực, song còn quá sớm để tuyên bố khu vực này "chiến thắng lạm phát". Phát biểu tại buổi công bố báo cáo định kỳ của ECB về bình ổn tài chính, ông cho rằng, châu Âu đang đi đúng quỹ đạo và các nước trong khu vực cần xem xét thận trọng diễn biến của lạm phát lõi, không tính giá thực phẩm và năng lượng.

ECB đã tăng lãi suất cơ bản thêm 3,75 điểm phần trăm kể từ khi bắt đầu chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ chưa từng có vào tháng 7 năm ngoái. Sự biến động về giá ở từng quốc gia trong Eurozone có ý nghĩa quyết định đối với chính sách lãi suất của ECB. Ðầu tháng 5 vừa qua, ECB đã tăng lãi suất cơ bản trong Eurozone lên 3,75% lần thứ 7 liên tiếp. Bà Lagarde cho biết, đối với ECB, ưu tiên trước mắt và quan trọng nhất là đưa lạm phát trở lại mục tiêu trung hạn 2% một cách kịp thời.

Còn nhiều thách thức phía trước mà ECB cần phải giải quyết, song để tiếp tục mang lại sự ổn định tài chính tiền tệ cho khu vực, các chuyên gia cho rằng ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa trong thời gian tới.