Sứ mệnh chống lạm phát của ECB vẫn chưa kết thúc

Các quan chức ngân hàng đang tỏ ra thận trọng với kế hoạch cắt giảm lãi suất, trước khi có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy xu hướng lạm phát giảm sẽ được duy trì.
0:00 / 0:00
0:00
ECB được cho là sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong tuần này. (Ảnh: AFP/TTXVN)
ECB được cho là sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong tuần này. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phát động chiến dịch thắt chặt tiền tệ lớn chưa từng có để kiềm chế xu hướng giá tiêu dùng tăng vọt, lạm phát ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã chậm lại từ mức đỉnh hơn 10% vào cuối năm 2022.

Theo số liệu sơ bộ, lạm phát đã giảm xuống 2,6% trong tháng 2/2024, từ mức 2,8% của tháng 1 và không còn xa mục tiêu 2% của ECB.

Tuy nhiên, triển vọng vẫn rất ảm đạm giữa bối cảnh Eurozone suýt rơi vào suy thoái kỹ thuật trong nửa cuối năm 2023, do thành tích kém cỏi ở nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức.

Mặc dù xu hướng lạm phát chậm lại và triển vọng kém sáng của nền kinh tế sẽ củng cố các lập luận về việc cắt giảm lãi suất, nhưng các quan chức vẫn lo lắng về “chặng đường cuối cùng” hướng đến mục tiêu lạm phát của Ngân hàng trung ương.

Hội đồng quản trị ECB có trụ sở tại Frankfurt được kỳ vọng sẽ giữ lãi suất tiền gửi chuẩn ổn định ở mức kỷ lục 4% lần thứ tư liên tiếp trong cuộc họp vào ngày 7/3 tới.

Chuyên gia Ann-Katrin Petersen từ Viện đầu tư BlackRock nói với AFP rằng, ECB sẽ không vội vàng và cuộc chiến chống lạm phát của ngân hàng vẫn chưa kết thúc.

Tuy nhiên, HSBC nhận định “cuộc họp sẽ được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ để tìm kiếm những chỉ báo về thời điểm cắt giảm đầu tiên và tốc độ của các đợt nới lỏng tiếp theo”.

Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi các báo cáo cập nhật sắp tới của ECB.

Dự kiến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và lạm phát sẽ có sự điều chỉnh giảm nhẹ trong năm nay.

Lạm phát ở khu vực Eurozone đã tăng vọt vào năm 2022 khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine, khiến chi phí lương thực và năng lượng tăng vọt.

Giờ đây, trong khi những cú sốc đến từ cuộc xung đột tại Ukraine đã hạ nhiệt, sự lo ngại lại chuyển sang lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ và tăng trưởng tiền lương, khi người lao động yêu cầu được tăng lương mạnh mẽ để đối phó với môi trường giá cả cao hơn.

Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông cũng làm gia tăng lo ngại rằng lạm phát có thể tăng trở lại.

Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ đã khiến các công ty vận tải phải bỏ qua những tuyến đường thương mại quan trọng, trong khi cuộc xung đột Israel-Hamas lan rộng có thể ảnh hưởng đến giá dầu.

Biên bản cuộc họp cuối cùng của hội đồng quản trị ECB vào tháng 1nhấn mạnh rằng: "Vẫn cần phải tiếp tục, thận trọng và kiên nhẫn, vì quá trình giảm phát vẫn còn mong manh và việc buông xuôi quá sớm có thể xóa đi những tiến bộ đã đạt được".

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết vào cuối tháng 1 rằng, ngân hàng có thể liên tục giữ nguyên lãi suất trước khi điều chỉnh giảm. Trước đó, đã có những dự đoán cho rằng ECB có thể sẽ đã cắt giảm lãi suất ngay sau tháng 3, khi lạm phát bắt đầu giảm mạnh.

Tuy nhiên, dự đoán này nhiều khả năng sẽ không thành hiện thực, do lạm phát cơ bản - không tính chi phí năng lượng và thực phẩm - đã không giảm nhanh như mong đợi.

Các nhà kinh tế hiện nay lại tiếp tục đặt cược vào việc lãi suất sẽ giảm lần đầu tiên vào tháng 6và sau đó sẽ là một quá trình diễn ra chậm rãi.

Trong bối cảnh tâm lý thận trọng, chuyên gia kinh tế Carsten Brzeski của ngân hàng ING nhận định lãi suất có thể sẽ giảm tổng cộng 25 điểm cơ bản trong năm nay.