Lương hưu phải là điểm tựa an sinh

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là một trong những dự án Luật được xem xét, lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tìm hiểu về các chế độ, chính sách bảo hiểm y tế.
Người dân tìm hiểu về các chế độ, chính sách bảo hiểm y tế.

Những góp ý, chia sẻ và hiến kế của đông đảo người lao động thành phố cũng như các cơ quan có thẩm quyền về Luật sửa đổi lần này gửi Quốc hội nhận được sự quan tâm của dư luận cả nước.

Trong đó, mức đóng bảo hiểm xã hội, thời gian đóng, tuổi hưu, lương hưu,… chính là những vấn đề nhận được sự quan tâm, góp ý nhiều nhất với mong muốn Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần có chính sách khuyến khích người lao động đóng nhiều hưởng nhiều; mức lương hưu phải bảo đảm mức sống tối thiểu, khắc phục tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần ồ ạt như thời gian qua.

Chủ tịch Công đoàn một công ty may mặc xuất khẩu dẫn chứng: “Một công nhân tại công ty với gần 20 năm làm việc nếu nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ được khoảng 170 triệu đồng.

Sau đó, nếu họ tiếp tục đi làm ở chỗ mới, đóng bảo hiểm xã hội và vẫn được nhận lương, cho đến khi đủ tuổi về hưu. Như vậy, sẽ có tình trạng muốn rút bảo hiểm xã hội một lần, không kiên trì tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài bởi thực tế, tham gia bảo hiểm xã hội càng lâu càng... lỗ”.

Trong khi đó, đưa ra quan điểm cá nhân khi góp ý Dự thảo luật, một công nhân làm việc tại công ty giày da vốn Đài Loan (Trung Quốc) cho rằng: Muốn hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, trước tiên phải cải thiện chế độ hưu trí để người lao động thấy được lợi ích của chính sách.

Cụ thể, mức lương hưu phải bảo đảm mức sống tối thiểu, có chính sách hỗ trợ vốn vay cho người nghỉ hưu nhưng còn khả năng lao động nhằm tự tạo việc làm, cải thiện thu nhập. Bảo đảm ổn định an sinh xã hội và không bị ảnh hưởng khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực.

Trước biến động của tình hình thị trường lao động, nhất là tình trạng cắt giảm nhân công của các doanh nghiệp may mặc, da giày sau đại dịch Covid-19, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện làn sóng người lao động nộp đơn nghỉ việc chờ sau một năm hưởng bảo hiểm thất nghiệp để nhận bảo hiểm xã hội một lần. Trên thực tế, nhận một “cục tiền” để trang trải trong lúc khó khăn dù thế nào cũng là cần thiết với họ.

Tình trạng này, dù được cơ quan Bảo hiểm xã hội khuyến cáo là chỉ có lợi trước mắt, còn lâu dài, người lao động sẽ có cuộc sống bấp bênh, rủi ro khi tiêu hết tiền và không được hưởng các chế độ chính sách khi đến tuổi hưu trí. Tuy nhiên, với những bất cập hiện nay, trong đó có tiền lương hưu quá thấp, không bảo đảm cuộc sống vẫn không ngăn được làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần.

Nhiều ý kiến đề nghị, Quốc hội cần sửa quy định rút bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng thời gian chờ bảo hiểm xã hội một lần sau khi nghỉ việc theo lộ trình (hiện nay là sau 12 tháng) đối với người lao động tham gia trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực. Không cho rút bảo hiểm xã hội một lần đối với người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm xã hội tự nguyện sau ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố mong muốn: Từ thực tiễn, nguyên tắc đóng hưởng rõ nhất của bảo hiểm xã hội cần được chứng minh thì mới thuyết phục được người lao động, ngăn được tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Để thuyết phục người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài, lương hưu nhận được phải bằng mức sống tối thiểu.

Ngoài ra, Luật sửa đổi cần có khoản thưởng 5-7% để tạo sức hấp dẫn cho người tham gia bảo hiểm xã hội suốt quá trình lao động để họ thật sự an tâm. Có chính sách bảo trợ xã hội khác đi kèm dành cho người tham gia suốt quá trình lao động cao hơn những người đã rút bảo hiểm xã hội một lần… Quan trọng hơn, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung luật sao cho thấu tình, đạt lý để Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thật sự đi vào cuộc sống, khuyến khích người lao động ở lại hệ thống an sinh lâu dài.