Không nên quy định cứng điều kiện tái định cư trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

NDO - Góp ý kiến về điều kiện khu tái định cư, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính cho rằng dự thảo Luật chỉ nên quy định những tiêu chí mang tính nguyên tắc, căn bản, không quy định cứng để bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến thảo luận ở hội trường sáng 3/11. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến thảo luận ở hội trường sáng 3/11. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 3/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Khó đáp ứng đủ tất cả các điều kiện với quỹ đất hiện nay

Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, dự thảo Luật quy định, khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội), với những quỹ đất hiện nay thì khó có khu tái định cư nào đáp ứng đủ các điều kiện trên. Nếu quy định cứng như trong luật thì vấn đề bồi thường tái định cư sẽ trở nên khó khả thi, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Đại biểu cho rằng, việc bố trí tái định cư phải phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền là cực kỳ khó bởi lẽ phong tục tập quán là những nét văn hóa đặc trưng, mang màu sắc riêng, không địa phương nào giống địa phương nào. Khi được tái định cư, có người được bố trí tái định cư ngay tại địa phương nhưng cũng có người phải tái định ở nơi khác vì quỹ đất nơi có đất bị thu hồi đã hết.

Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật chỉ nên quy định những tiêu chí mang tính nguyên tắc, căn bản, không quy định cứng để bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.

Không nên quy định cứng điều kiện tái định cư trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ảnh 1

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Về điều kiện tái định cư, tại khoản 43 Điều 3 dự thảo Luật quy định, tái định cư là việc Nhà nước thực hiện bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở tại khu tái định cư hoặc địa điểm khác phù hợp cho người có đất thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở hoặc hỗ trợ bằng giao đất ở, nhà ở tái định cư cho người không đủ điều kiện bồi thường về đất ở mà không còn chỗ ở nào khác.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính băn khoăn khái niệm “không còn chỗ ở nào khác” được hiểu là chỗ tại địa phương nơi có đất bị thu hồi hay là trên toàn quốc. Theo đại biểu, việc xác định một người “không còn chỗ ở nào khác” rất khó, vì hiện tại trong hệ thống quản lý dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay chưa phản ánh đầy đủ và kịp thời. Nếu viết như dự thảo có thể dẫn đến cách hiểu “không còn chỗ ở nào khác” là trong phạm vi toàn quốc.

Vì vậy, để bảo đảm nguyên tắc và quyền lợi hợp pháp của người dân, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, đại biểu kiến nghị cần giới hạn phạm vi điều chỉnh khái niệm “không còn chỗ ở nào khác” là chỗ ở trong một địa bàn phạm vi xã, phường nơi có đất bị thu hồi. Việc sửa đổi này cũng là sự kế thừa, phù hợp với nguyên tắc bồi thường tái định cư tại điểm a khoản 1 Điều 79 Luật 2013 hiện đang được áp dụng.

Hạn chế tình trạng đầu cơ, thu gom đất trồng lúa nhưng sử dụng không đúng mục đích

Về mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa tại khoản 7 Điều 45, dự thảo Luật đang đề xuất 3 phương án.

Phương án 1: Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa (trừ trường hợp tặng cho cho người thuộc hàng thừa kế) thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại khoản 6 Điều này.

Đó là, tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Phương án sử dụng đất nông nghiệp phải thể hiện các nội dung: địa điểm, diện tích, mục đích sử dụng đất; kế hoạch sản xuất kinh doanh nông nghiệp; vốn đầu tư; thời hạn sử dụng đất; tiến độ sử dụng đất.

Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 là không bổ sung khoản này.

Phương án 3: Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa (trừ trường hợp tặng cho cho người thuộc hàng thừa kế) quá hạn mức quy định tại Điều 177 của Luật này thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại khoản 6 Điều này.

Bày tỏ tán thành với phương án 1, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng quy định theo hướng này sẽ bảo đảm công tác quản lý đất trồng lúa nghiêm ngặt, chặt chẽ, tránh trường hợp cá nhân trục lợi thu gom đất trồng lúa để đầu cơ, tạo thị trường ảo, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Bên cạnh đó, để đáp ứng điều kiện nhận chuyển nhượng, cá nhân không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất trồng lúa và lên kế hoạch sản xuất quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. “Do vậy, phương án 1 phù hợp với bối cảnh kinh tế nước ta hiện nay, tránh tính trạng không quản lý được quỹ đất của nhà nước, đặc biệt là quỹ đất trồng lúa.

Không nên quy định cứng điều kiện tái định cư trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ảnh 2

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Có cùng mối quan tâm, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cho biết, báo cáo tiếp thu, giải trình đã phân tích những ưu điểm, nhược điểm của các phương án. Dù chọn phương án nào cũng sẽ có tác động rất lớn trong thực tế vì việc mở rộng đối tượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa là cách tiếp cận hoàn toàn mới so với luật hiện hành. Mặt khác, trước đây chưa thực hiện nội dung này nên cũng chưa có cơ sở để tổng kết từ thực tiễn.

Đại biểu nghiêng về phương án 1, cho rằng phương án này bảo đảm đối tượng nhận quyền sử dụng đất trồng lúa sử dụng đất đúng mục đích, hạn chế tình trạng đầu cơ, thu gom đất trồng lúa nhưng sử dụng không đúng mục đích. Nếu kiểm soát không chặt chẽ, tình trạng lợi ích nhóm có thể xảy ra trong việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang đất phi nông nghiệp.