Nhiều vấn đề lớn tiếp tục được chỉnh lý trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất có bước tiến quan trọng về chất lượng. Nhiều nội dung được sửa đổi chi tiết, sát thực tế và có tính khả thi cao hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên họp tham vấn ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế. (Ảnh: PHẠM THẮNG)
Phiên họp tham vấn ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế. (Ảnh: PHẠM THẮNG)

Vừa qua, cho ý kiến vào công tác tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và một số nội dung lớn của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), qua xem xét hồ sơ dự án luật, nhiều đại diện cơ quan của Quốc hội đánh giá so với dự thảo trước đây, dự thảo mới có bước tiến quan trọng về chất lượng.

Về thể chế hóa các quan điểm, nguyên tắc và nội dung trong Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan điểm quan trọng trong Nghị quyết 18 là đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa và hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế, song dự thảo luật thể chế hóa chủ trương này còn rất mờ nhạt.

Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế đề nghị ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, thiết kế thêm một số điều hoặc có chương riêng quy định về điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê đất đai, trách nhiệm của các cấp, các ngành, xây dựng dữ liệu về đất đai.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một số các nội dung khác cũng là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội nêu tại kỳ họp thứ 5, là cần phải tiếp tục rà soát để hoàn thiện sâu sắc hơn, như: Cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều diện tích đất hoặc đầu cơ hoặc chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất; quản lý tiết kiệm, hiệu quả nguồn thu từ đất giữa Trung ương và địa phương; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản; khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp; cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững; kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.

Báo cáo của cơ quan thẩm tra cho biết, đến nay, vẫn có 12 nội dung lớn trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn ý kiến chưa thống nhất như: Phân loại đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tiêu chí thu hồi và đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Bên cạnh đó, các vấn đề lớn như áp dụng phương pháp thặng dư để định giá đất hay mức phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hằng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất (Điều 113 dự thảo luật). Tại cuộc họp mới đây, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cơ quan soạn thảo xin giữ quy định tại dự thảo luật về tỷ lệ ngân sách nhà nước phân bổ tối thiểu cho quỹ phát triển đất để có đủ nguồn lực tài chính ứng vốn cho tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.

Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, lãnh đạo Ủy ban Kinh tế cho biết: Các khó khăn, vướng mắc chính liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất là nguồn vốn hoạt động của Quỹ tại một số địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu ứng vốn thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch; Quỹ không được ngân sách nhà nước cấp/hỗ trợ kinh phí hoạt động (do vướng Luật Ngân sách nhà nước); mức trích cụ thể cao hơn sẽ do các địa phương quyết định phù hợp với khả năng ngân sách của từng địa phương.

“Đến thời điểm này, sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, chất lượng dự án luật đã được nâng cao một bước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và lưu ý, “Những vấn đề còn lại đều là những vấn đề lớn, khó, then chốt, đòi hỏi Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải tiếp tục nỗ lực không ngừng nghỉ để có dự án luật tốt nhất”.

Qua theo dõi, vấn đề nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội chuyên trách quan tâm nhất là sự tương thích, tính khả thi với các bộ luật, luật khác. Có hơn 20 luật trực tiếp liên quan Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có 3 luật đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đấu thầu. Qua lắng nghe nhiều ý kiến thảo luận và các hội thảo được tổ chức tại các địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ chọn phương án sửa luôn các điểm không tương thích trong Luật Đất đai, tránh phải quay lại quy trình xây dựng văn bản pháp luật làm kéo dài quá trình.

Ủy ban Kinh tế phối hợp Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án luật, báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật, trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8 này và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm.