Sửa đổi Luật đất đai bảo đảm tính khả thi, tránh vướng mắc khi triển khai trên thực tế

NDO - Tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung về một trong những trường hợp đáp ứng điều kiện đã hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư để ban hành quyết định thu hồi đất, nhằm khuyến khích người dân tự nguyện bàn giao diện tích đất bị thu hồi, góp phần đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
0:00 / 0:00
0:00
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Sáng 3/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Thu hồi đất hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt người dân

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về các nội dung có 1 phương án, trong đó có vấn đề thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 78 và Điều 79), tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở Báo cáo số 598/BC-CP, dự thảo Luật bổ sung trường hợp thu hồi đất để “thực hiện các dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật”.

Theo quy định này, các dự án của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 30 của Điều 79 nhưng nếu được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư thì sẽ thực hiện thu hồi đất.

Tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở Báo cáo số 598/BC-CP, dự thảo Luật bổ sung quy định về “thực hiện các dự án, công trình vì mục đích lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 31 của Điều này thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi đất của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn”.

Sửa đổi Luật đất đai bảo đảm tính khả thi, tránh vướng mắc khi triển khai trên thực tế ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Về điều kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng liên quan (khoản 3 Điều 80 và khoản 5 Điều 87), tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở Báo cáo số 598/BC-CP, dự thảo Luật đã bổ sung về một trong những trường hợp đáp ứng điều kiện đã hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư để ban hành quyết định thu hồi đất là sau khi “người có đất bị thu hồi tự nguyện bàn giao đất cho Nhà nước và đã được bố trí tạm cư hoặc được chi trả kinh phí tạm cư” (khoản 5 Điều 87), nhằm khuyến khích người dân tự nguyện bàn giao diện tích đất bị thu hồi, góp phần đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cũng là góp phần giúp dự án đầu tư sớm được triển khai trên thực tế mà vẫn bảo đảm yêu cầu hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Về đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (khoản 1 Điều 202), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, ngày 29/8/2023, Chính phủ có Báo cáo số 411/BC-CP gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 132/2020/QH14.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế bảo đảm các mục tiêu quản lý nhà nước, không để xảy ra tình trạng thất thoát, sai phạm, ảnh hưởng đến các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt có trách nhiệm bảo đảm chặt chẽ trong quá trình phê duyệt phương án sử dụng đất, các doanh nghiệp được phê duyệt phương án chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện các phương án sử dụng đất bảo đảm hiệu quả.

Đánh giá tác động kỹ lưỡng để thiết kế phương án phù hợp

Sửa đổi Luật đất đai bảo đảm tính khả thi, tránh vướng mắc khi triển khai trên thực tế ảnh 2

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 3/11. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giải trình, tiếp thu các nội dung có nhiều phương án và xin ý kiến Quốc hội về các nội dung còn ý kiến khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, rà soát, tiếp thu ý kiến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia; qua đó, chất lượng dự thảo Luật đã từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác.

Bên cạnh đó, các quy định có tính kế thừa về mặt lịch sử, ghi nhận chính sách của Nhà nước qua các thời kỳ, một số nội dung tuy là trình tự, thủ tục nhưng được luật định do tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; vì vậy, công tác hoàn thiện các quy định đòi hỏi hết sức kỹ lưỡng, thận trọng.

Sửa đổi Luật đất đai bảo đảm tính khả thi, tránh vướng mắc khi triển khai trên thực tế ảnh 3

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Về quy định chuyển tiếp, sửa đổi, bổ sung một số Điều của các luật có liên quan, các nội dung đang được quy định tại Chương XVI dự thảo Luật do Chính phủ trình đã được rà soát, chỉnh lý; tuy nhiên, chưa có điều kiện rà soát kỹ lưỡng các trường hợp cần có quy định chuyển tiếp cũng như nội dung khác của các luật có liên quan.

Quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ dự thảo Luật sẽ cần nhiều thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của dự án Luật.

Trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về phương án xem xét, thông qua dự án Luật này trên tinh thần bảo đảm chất lượng dự án Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi.