Lên cột mốc số 0 trên đỉnh Khoan La San

NDO - Bước chân lên cột mốc số 0 A Pa Chải trên đỉnh Khoan La San thuộc dãy Pu Đen Đinh ở độ cao hơn 1.866m so với mực nước biển, bao mỏi mệt sau hành trình dài của chúng tôi phút chốc tan biến. Ai nấy đều phấn khích tưởng chừng như có thể hét lên được, song tất thảy lại yên lặng, lấy trong hành lý ra lá cờ Tổ quốc, cùng trang nghiêm thực hiện nghi lễ chào cột mốc, cúi chào đất Mẹ.
0:00 / 0:00
0:00
Trên mảnh đất biên cương, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, mỗi người con nước Việt đều dâng lên niềm tự hào.
Trên mảnh đất biên cương, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, mỗi người con nước Việt đều dâng lên niềm tự hào.

Trên mảnh đất biên cương, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, trước hùng vĩ núi rừng và bao la trời mây, mỗi người con nước Việt đều dâng lên niềm tự hào.

1. Kỹ sư Nguyễn Văn Hùng, một chuyên gia kỳ cựu ngành lắp máy-cơ khí, là người có đam mê xê dịch, trải nghiệm kiểu du lịch bụi, đề xuất mấy anh em chuyến “phượt” một vòng cung Tây Bắc, đi qua các địa danh hào hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm nào và khám phá điểm cực tây Tổ quốc A Pa Chải, địa danh gắn liền với cột mốc giao điểm đường biên giới 3 nước Việt Nam, Lào và Trung Quốc, tại xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, Điện Biên). Vậy là chúng tôi lên đường!

A Pa Chải là địa danh tôi từng muốn chinh phục từ gần 30 năm trước, lúc còn thanh niên trai trẻ, mới bước chân vào nghề báo với sục sôi nhiệt huyết. Ngày đó, hễ có dịp là tôi xách ba lô theo trung tá Phạm Đệm, sĩ quan tuyên huấn của Bộ Tư lệnh Biên phòng lang thang qua hàng chục đồn biên phòng khắp các tỉnh phía bắc. Khi nghe tôi bày tỏ nguyện vọng đến A Pa Chải, anh Đệm gạt phắt vì “mày không đủ sức leo đâu”.

Lúc đó, tỉnh Điện Biên chưa tách khỏi Lai Châu, huyện Mường Nhé mới chỉ có đường ô-tô đến trung tâm, cột mốc số 0 do Đồn Biên phòng Leng Su Sìn quản lý (năm 2007, Đồn Biên phòng A Pa Chải mới tách ra từ đồn Leng Su Sìn).

Thời ấy, cả khu vực này không điện, không đường, bốn bề chỉ là núi đồi cỏ tranh hoang vu, trập trùng trải dài dưới chân núi Khoan La San lộng gió. Muốn tới A Pa Chải phải cắt rừng, trèo đèo lội suối vài chục km, cả đi lẫn về mất chừng nửa tháng. Vì thế, cho dù những ngày tháng đó nhiều lần lên Điện Biên và vô cùng khao khát được đến A Pa Chải, song tôi đành từ bỏ ý định.

Lên cột mốc số 0 trên đỉnh Khoan La San ảnh 1

Bên tấm bia di tích đèo Pha Đin, từng đoàn cựu chiến binh, thanh niên xung phong về thăm chiến trường Điện Biên dừng lại chụp ảnh kỷ niệm.

Sáng tinh mơ từ Hà Nội, chúng tôi ngược quốc lộ 6, qua đèo Pha Đin, một trong “tứ đại đỉnh đèo” ở phía bắc để đến Điện Biên. Trước đây, quốc lộ 6 vẫn được cánh lái xe đọc chệch đi là “quốc lộ xấu” vì hầu hết đều uốn lượn theo các triền núi, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, nhiều đoạn cua chỉ đủ cho 1 ô-tô đi qua.

Bên tấm bia di tích đèo Pha Đin, từng đoàn xe chở các cựu chiến binh, thanh niên xung phong về thăm chiến trường Điện Biên dừng lại chụp ảnh kỷ niệm, chúng tôi trào dâng niềm xúc động khôn tả.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin từng hứng chịu vô số trận oanh tạc của thực dân Pháp nhằm ngăn chặn đường tiếp vận vũ khí, lương thực của ta. Có thể nhiều người trong số cựu chiến binh, thanh niên xung phong hôm nay đang đứng đây, dưới mưa bom bão đạn của 70 năm trước, đã quả cảm bám trụ, phá đá mở đường giữ vững mạch máu giao thông, chi viện cho chiến dịch đến ngày toàn thắng.

Năm 2009, sau 4 năm ròng rã “ăn gió, nằm sương" thi công, ngành giao thông đã hoàn thành cải tạo quốc lộ 6 (đoạn Sơn La-Tuần Giáo) dài 85km, tiêu chuẩn cấp 4 miền núi, với "điểm nhấn" là tuyến tránh đèo Pha Ðin thấp hơn 200-400m và rút ngắn quãng đường khoảng 10km so với đèo cũ. Các đơn vị thi công đã đào đắp gần 1 triệu m3 đất đá, xây 6 cầu cạn nằm trong đường cong địa chất phức tạp. Đây là tuyến đường đầu tiên ở Tây Bắc được thảm bê tông nhựa dày tới 12cm.

Giờ đây, ngồi trên ô-tô đi qua đèo mà cảm giác êm ru, không còn lắc giật dữ dội như thuở nào. Từng ngày, những con đường, cây cầu mới mọc lên đã giúp miền Tây Bắc bớt đi xa ngái, đem lại sức sống và sự đổi thay kỳ diệu.

Đơn cử như ở A Pa Chải, nếu như gần 30 năm trước, đường ô-tô mới làm đến trung tâm huyện, đi bộ xuyên rừng lên cột mốc khoảng 50km có thể coi như việc bất khả thi đối với mọi người, trừ lính biên phòng.

Lên cột mốc số 0 trên đỉnh Khoan La San ảnh 3

Những người lính quân hàm xanh ngày đêm gìn giữ an ninh vùng biên.

Cách đây hơn chục năm, tuyến đường ô-tô thảm nhựa đã làm tới chân đồn biên phòng, hành trình leo A Pa Chải chỉ còn đi bộ khoảng 5km, mất hơn nửa ngày. Bắt xe từ thành phố Điện Biên lên, cuối giờ chiều, chúng tôi có mặt tại Đồn Biên phòng A Pa Chải, làm thủ tục đăng ký ngủ lại đồn để sáng hôm sau leo sớm.

Trời còn dày đặc sương mù, chúng tôi trở dậy, nai nịt đủ loại giày tất, mũ áo, găng tay chuyên dụng chống vắt, lương khô nước uống theo chân chiến sĩ biên phòng leo cột mốc theo đường mòn tuần tra biên giới mảnh như sợi chỉ vắt qua mấy sườn núi, cỏ tranh cao lút đầu.

Khoảng 5 tiếng đồng hồ cắt rừng lội bộ, đu dây bám cành nơi vách đá dựng đứng, cầm chai nước trên tay còn thấy nặng trĩu, chúng tôi phải bỏ lại ven đường vô số “phụ kiện” không cần thiết để lúc quay về lấy sau. Có mấy người trong nhóm không kham nổi, đành ngậm ngùi bỏ cuộc giữa chừng. Anh lính đi cùng phải xách đồ đạc cho cả đoàn, hỗ trợ kéo từng người lên dốc cao, vậy mà lên tới cột mốc, tóc tai quần áo chúng tôi ướt sũng mồ hôi, bê bết bùn đất, nằm vật ra thở dốc.

2. Giờ đây, việc chinh phục điểm cực tây A Pa Chải, nơi “một con gà gáy, ba nước cùng nghe” lại dễ dàng hơn trước rất nhiều.

Thượng tá Nguyễn Đức Dũng, Trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải cho biết: “Cuối năm 2018, khi công trình đường tuần tra biên giới (đoạn A Pa Chải-Tả Long San), tuyến nhánh từ km5+900 lên cột mốc biên giới A Pha Chải dài gần 9km do Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư hoàn thành, tạo thuận lợi rất lớn đối với người dân và du khách thích khám phá, chinh phục điểm cực tây”.

Lên cột mốc số 0 trên đỉnh Khoan La San ảnh 4

Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, đã có gần 1.000 khách du lịch đăng ký chinh phục điểm cực tây A Pa Chải.

Trong năm 2023, có khoảng 2.000 khách tới đăng ký lên cột mốc A Pa Chải, và chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, đã có gần 1.000 khách chinh phục điểm cực tây.

Vào mùa khô (tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau) hoặc những dịp lễ hội, lượng khách du lịch đến đây có xu hướng tăng mạnh. Khoảng cuối tháng 10 âm lịch hằng năm, sau khi thu hoạch xong vụ lúa, người dân Hà Nhì ở Mường Nhé khá thư nhàn. Các già làng, trưởng bản và cán bộ xã sẽ họp, thống nhất một ngày ăn Tết chung. Tết Hà Nhì được chọn vào ngày rồng (thìn) đầu tiên của tháng 12 (dương lịch).

Phát triển du lịch gắn với bảo đảm an ninh-quốc phòng, Chính phủ đang xem xét, phê chuẩn mở rộng sân mốc A Pa Chải và xây dựng điểm ngắm cảnh tại khu vực này.

Theo dự kiến, điểm ngắm cảnh có hình tròn, diện tích 255m2, sân mốc hướng về mỗi quốc gia, được kỳ vọng sẽ hấp dẫn nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm hơn.

Ðể hoàn thiện hạ tầng, tạo điểm đến cho du khách, chính quyền huyện Mường Nhé cũng tích cực khảo sát, xin chủ trương đầu tư khu du lịch tại bản Tá Miếu (xã Sín Thầu) và đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cột cờ Tổ quốc A Pa Chải (nằm lưng chừng đỉnh Khoan La San).

Theo thiết kế, cột cờ cao 45,19m, trong đó phần trụ bằng bê tông cốt thép cao 29,5m; phần cột cờ bằng inox cao 15,69m; kích thước lá cờ 7,5 x 5 (m), diện tích 37,5m2. Từ trạm dừng nghỉ lên cột cờ dài khoảng 300m, được thiết kế 519 bậc với 19 chiếu nghỉ, tượng trưng cho 19 dân tộc anh em tỉnh Điện Biên.

Theo trung tá Đoàn Thanh Tuấn, Bí thư đảng ủy, Chính trị viên Đồn biên phòng, A Pa Chải là một trong 16 mốc giới trên hai tuyến biên giới thuộc phạm vi của đồn quản lý, bảo vệ, trải dài theo đường biên giới quốc gia gần 38,3km. Do vị trí đặc biệt trọng yếu, liên quan mật thiết tới quân sự-quốc phòng địa phương cũng như an ninh quốc gia, du khách muốn lên cột mốc phải đăng ký và được sự chấp thuận của chỉ huy đồn, có cán bộ chiến sĩ dẫn đường.

Lên cột mốc số 0 trên đỉnh Khoan La San ảnh 5

Chính quyền huyện Mường Nhé cũng tích cực khảo sát, xin chủ trương đầu tư khu du lịch tại bản Tá Miếu (xã Sín Thầu).

Dẫn chúng tôi đi, đại úy Nguyễn Văn Thắng, Đội trưởng trinh sát cho biết, công trình đường tuần tra biên giới gồm hơn 3,5km đường đất, gần 4,4km bằng bê-tông theo tiêu chuẩn đường tuần tra biên giới và gần 1km bậc lên mốc bằng đá granit rộng 1,5m (gồm 541 bậc và 29 chiếu nghỉ), khi hoàn thành thật sự là cuộc cách mạng, giải phóng rất nhiều thời gian, công sức tuần tra đối với những người lính mang quân hàm xanh.

Đối với đa số khách ưa thích du lịch bụi, còn cơ hội nào tốt hơn thế để chinh phục A Pa Chải? Đường tuần tra biên giới nhỏ hẹp chỉ đủ chỗ cho 1 xe máy đi, dốc cao và ngoặt gấp, xe ọp ẹp liên tục bị mất đà, khiến người ngồi sau nhiều phen thót tim. Nhưng tôi đoan chắc, lượn vòng vèo xuyên qua những tán rừng tự nhiên cảnh đẹp mê hồn, không khí mát rượi là một trải nghiệm vô cùng thú vị, độc đáo đối với bất cứ phượt thủ nào.

Điểm chót của con đường này chính là cột mốc số 0 A Pa Chải, do 3 nước Việt Nam-Lào-Trung Quốc khởi công xây dựng cuối tháng 4/2005 và hoàn thành đầu tháng 7/2005. Toàn bộ cột mốc được làm bằng đá hoa cương, dựng trên bệ hình lục giác, ngoài cùng là khối vuông với diện tích 5x5 (m). Cột mốc cao 2m với 3 mặt quay về hướng 3 nước, mỗi mặt khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ và gắn quốc huy của từng quốc gia. Cả đoàn phất cao lá cờ trong nắng gió khoáng đạt, ai nấy đều rưng rưng nước mắt cảm động, tự hào trước cột mốc kỳ vĩ trên mảnh đất thiêng liêng Tổ quốc. Chúng tôi nắm chặt tay nhau, thầm hẹn một ngày không xa sẽ quay trở lại mảnh đất thân thương này!