“Vượt nắng thắng mưa” trên bản nghèo
Hơn tháng nay, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Điện Biên, Công an huyện Mường Nhé và cán bộ, công chức huyện Mường Nhé khảo sát, thống kê hộ nghèo cần hỗ trợ về nhà ở. Không kể đường liên xã, liên bản hay đường mòn xuyên rừng, thành viên các đội công tác tỏa đều về từng bản, đến từng nhà làm công tác thực địa và thống kê. Ở trụ sở Công an huyện Mường Nhé, rất nhiều đêm đèn thắp gần đến sáng bởi những cuộc họp bàn, tìm cách làm nhà trong giới hạn về kinh phí, phù hợp nhu cầu, nguyện vọng, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Ban Giám đốc Công an tỉnh đã đồng thuận với đề xuất của huyện là làm thí điểm chín ngôi nhà cho chín gia đình ở ba xã: Mường Toong, Mường Nhé, Nậm Kè. Công an huyện Mường Nhé được giao đảm nhiệm với tổng mức đầu tư 50 triệu đồng/nhà; diện tích tối thiểu 36 m² và thời hạn hoàn thành trước ngày 20-9. Trực tiếp xây dựng kế hoạch, áp tiến độ cụ thể cho từng đội công tác, Đại tá Nguyễn Ngọc Trường, Trưởng Công an huyện Mường Nhé cũng là người giám sát tiến độ, khối lượng công việc của anh em theo ngày.
Điểm lại việc đã làm, Đại tá Trường vui vẻ nói: Cả tháng nay anh em trong huyện gần như không có ngày nghỉ vì phải tập trung vận chuyển vật liệu để làm chín căn nhà mẫu. Mấy ngày trước trời mưa tầm tã, anh em vẫn dầm mình vận chuyển nguyên vật liệu rồi tranh thủ ngày nắng thì dựng nhà. Các bản: Nà Pán, Co Lót (xã Mường Nhé) thuận đường hơn thì vận chuyển vật liệu đỡ vất vả, chứ như bản Tà Hàng (xã Mường Toong), bản Huổi Hốc (xã Nậm Kè) đường đi lối lại khó khăn lắm, ngày mưa đi bộ cũng khó không nói gì mang vác vật liệu. Để tiết kiệm tối đa chi phí nhân công, hầu hết các việc đều do cán bộ, chiến sĩ Công an huyện làm, cán bộ xã và nhân dân trong bản góp công làm cùng anh em chiến sĩ.
Đưa chúng tôi đi thăm ba “công trình” các anh đang triển khai ở hai bản Huổi Hốc, Nậm Kè (thuộc xã Nậm Kè), Đại úy Chang A Dì, Tổ trưởng công tác Công an huyện cắm xã, kể về những khó khăn ban đầu đã trải qua. Khi nghe tin được hỗ trợ làm nhà, Sùng A Sủng ở bản Huổi Hốc mừng lắm. Nhưng khi thấy xe chở vật liệu đến thì Sủng đổi ý, nói là muốn được làm nhà gỗ kiểu truyền thống của dân tộc Mông. Mệt. Lo lắng. Anh em cùng Chủ tịch xã Nậm Kè Giàng A Ly lại bàn nhau lựa lời giải thích để người nhà A Sủng hiểu, nguyên liệu làm nhà bằng tôn song thiết kế vẫn theo kiểu truyền thống dân tộc Mông. Với điều kiện hiện tại ở Nậm Kè nói riêng và huyện Mường Nhé nói chung, làm nhà tôn sẽ khắc phục thực trạng phá rừng mà lại bảo đảm điều kiện sống tốt hơn cho bà con. Hai ngày hai đêm lặng thinh, sang ngày thứ ba, A Sủng chủ động gặp Đại úy Chang A Dì để nói: “Tao nghĩ được rồi, làm nhà như cán bộ tính tốt hơn nhà bây giờ!”.
Khi chúng tôi đến cũng vừa lúc ngôi nhà của A Sủng hoàn thành. Đứng bên ngôi nhà mới, vợ chồng A Sủng không giấu được niềm vui đong đầy trên khóe mắt. Chỉ tay về ngôi nhà, A Sủng nói như khoe: Chờ cán bộ tỉnh xem xong chúng tôi sẽ được ở. Trong nhà này các con tôi không bị ướt nữa rồi!
Cần nhất là tấm lòng với người nghèo!
Hiện tại, Công an huyện Mường Nhé đã hoàn thành chín căn nhà mẫu cho hộ nghèo, phù hợp thực tế địa bàn và phong tục tập quán của đồng bào dân tộc. Căn cứ điều kiện địa hình thực tiễn tại Mường Nhé, Công an tỉnh Điện Biên đề xuất hai phương án với hai mẫu nhà cụ thể. Theo đó, với các gia đình thuận lợi trong vận chuyển nguyên vật liệu thì làm nhà theo mẫu mái lợp tôn, khung thép, tường xây gạch chỉ 110 cm, bổ trụ trát tường, nền láng xi-măng thiết kế ba gian, tổng 36 m². Còn với gia đình ở vùng sâu, khó vận chuyển vật liệu thì làm nhà có mái, khung, vách bằng tôn, nền xi-măng, ba gian, tổng diện tích 36 m2. “Với kinh phí giới hạn 50 triệu đồng/nhà thì cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể phải cử người tham gia vận chuyển nguyên vật liệu, cùng nhân dân dựng nhà, có như vậy mới thành công!”, Thiếu tướng Sùng A Hồng nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Văn Sơn đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình làm nhà lần này cho hộ nghèo ở Mường Nhé. Đây là huyện nghèo và nghèo nhất trong 62 huyện nghèo theo Chương trình 30a của Chính phủ, dân số trên địa bàn chủ yếu là dân di cư tự do từ các tỉnh khác đến, cuộc sống khó khăn vì thiếu đất sản xuất. Tuy được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều chương trình, dự án, song do giao thông cách trở, quá xa trung tâm tỉnh và Trung ương, cộng với nhận thức của một bộ phận nhân dân còn thấp, nên hiệu quả các chương trình đầu tư không đạt mục tiêu. Mức đầu tư bình quân các chương trình, dự án cho người dân trong giai đoạn 2016 - 2020 còn quá thấp (khoảng 4,5 triệu đồng/người) không tạo được lực mạnh mẽ cho người dân vươn lên. Bên cạnh đó, nhiều người không biết chữ, nhận thức lạc hậu cùng với sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đã hình thành tâm lý tiêu cực, mặc cảm về trình độ phát triển, vị trí tộc người. Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác an ninh trật tự địa bàn và khu vực biên giới; cản trở quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Từ thực tế đó, Bộ Công an đã đề xuất và chỉ đạo thực hiện chương trình hỗ trợ làm nhà cho người nghèo Mường Nhé. Bộ chủ trì việc kêu gọi vận động các bộ, ngành, cán bộ, chiến sĩ công an trong ngành ủng hộ; Công an tỉnh Điện Biên, cấp ủy, chính quyền địa phương có trách nhiệm thực hiện, sao cho tất cả hộ nghèo khó khăn về nhà ở ở Mường Nhé đều được hỗ trợ làm nhà ba cứng (mái, khung, nền), để bà con yên tâm sinh sống. Rút kinh nghiệm từ các chương trình trước, Bộ trưởng Công an Tô Lâm mong muốn, mỗi người tham gia chương trình làm nhà cho hộ nghèo lần này cần thật sự tâm huyết, trách nhiệm, làm bằng tất cả tấm lòng để người nghèo Mường Nhé có cuộc sống tốt hơn và điều đó cũng có nghĩa là mỗi người đã góp sức “làm cho Mường Nhé sáng hơn”.
Bên hành lang buổi họp bàn phương thức, kế hoạch giúp người nghèo Mường Nhé làm nhà, Thiếu tướng Sùng A Hồng đã trao đổi như để dốc lòng những điều ông trăn trở lâu nay. Ai cũng biết, đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên nói chung, huyện Mường Nhé nói riêng thường sống ở những vùng núi cao, hẻo lánh nơi biên giới. Giúp đồng bào ổn định chỗ ở, cuộc sống không những là việc làm cần thiết thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đồng bào, củng cố lòng tin của người dân mà còn góp phần xây dựng phên giậu, thành trì vững chắc bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Bởi trên biên giới, mỗi người dân đã, đang là một cột mốc biên cương. Chăm lo cuộc sống “cột mốc” ấy cũng chính là chăm lo, giữ gìn đường biên cho đất nước vẹn tròn...