A Pa Chải - "điểm đầu đặt bút vẽ bản đồ nước Việt"

NDO - Nhắc đến ngã ba biên giới A Pa Chải (Mường Nhé, Ðiện Biên) người ta thường nghĩ đến một miền biên viễn xa xăm cách trở, kinh tế khó khăn và dân trí còn thấp. Tuy nhiên, nơi đây còn là một điểm đến đầy hấp dẫn với những ai đam mê khám phá, muốn trải nghiệm khung cảnh tự nhiên cũng như văn hóa vùng cao, muốn vượt qua chính mình bằng hành trình gian khó nhưng hết sức thú vị.
Người Hà Nhì ở A Pa Chải làm bánh dày truyền thống chuẩn bị đón Tết cơm mới.
Người Hà Nhì ở A Pa Chải làm bánh dày truyền thống chuẩn bị đón Tết cơm mới.

A Pa Chải trong tiếng Hà Nhì có nghĩa là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn. Nhưng để đến được cao điểm cực tây này, cần phải vượt qua ít nhất 500 km từ Thủ đô Hà Nội lên TP Ðiện Biên Phủ, rồi tiếp tục chặng đường núi gập ghềnh, quanh co thêm chừng 260 km nữa mới vào đến xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, nơi có đường biên giới tiếp giáp giữa ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, cũng là điểm đầu tiên đặt bút mỗi khi vẽ tấm bản đồ đất nước. Con đường nhựa xuyên Mường Nhé mới được hoàn thành và sử dụng vài năm gần đây thật sự đã mang đến nhiều đổi thay cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời cũng góp phần giúp bao người phương xa có điều kiện tìm đến với xứ sở này. Thuở trước, phải mất rất nhiều giờ, thậm chí cả ngày trời mới có thể vượt qua những đoạn đường dài hiểm trở, chỉ có thể đi xe máy và đi bộ.

Ấn tượng đầu tiên với mỗi người trong chuyến đi hẳn là cảnh đẹp xanh tươi trùng điệp của miền rừng núi Tây Bắc với núi cao, vực sâu, mây vờn, suối lượn. Giữa xanh thẫm cây rừng đại ngàn, những bản làng của người Hà Nhì thấp thoáng, nằm bình yên trong nắng gió biên ải. Không phải giữa mùa mưa nên dòng nước Chung Chải, Mo Phí, những con suối lừng danh chảy qua đây cũng êm đềm hơn, uốn lượn, rì rào như đang dẫn dắt chúng tôi đến với vùng đất huyền thoại "một con gà gáy, ba nước cùng nghe". Và, bầu trời hoàng hôn đúng là một tuyệt tác kỳ diệu của tự nhiên, khi mặt trời nhuộm sắc đỏ của mình trải dài thành từng cung bậc đỏ sẫm, đỏ tươi, đỏ cam, vàng cam... lên nền trời xanh ngăn ngắt, lên những đám mây trắng đang cuộn lên ở phía chân trời, để rồi khuất dạng sau cùng trên lãnh thổ Việt Nam.

Dừng chân ở nhà ông Pờ Dần Sinh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Sín Thầu vào lúc chạng vạng tối, sự thân thiện và hiếu khách của con người nơi đây khiến chúng tôi vô cùng xúc động và ngạc nhiên mặc dù đã được nghe nói đến không ít lần. Căn nhà của gia đình người Hà Nhì nằm giữa ngã ba biên giới này đã tiếp đón mỗi năm hàng trăm lượt khách, hàng nghìn dân du lịch "phượt" từ khắp mọi nơi, nam có, nữ có, đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, từ tận miền nam, từ cả nước ngoài đến với A Pa Chải. Không chỉ mời khách ăn, ngủ hoàn toàn miễn phí, họ còn nhiệt tình giới thiệu nhiều nét văn hóa độc đáo, cũng như giúp đỡ việc sắp xếp lịch trình đi lại. Biết rằng người vùng cao vốn mộc mạc, quý người, nhưng "chiêu đãi" người lạ từ nơi khác đến với một tấm lòng ấm áp và chân thành như vậy thì quả thực đáng quý, đáng trân trọng biết bao. Ðược biết, dòng họ Pờ cũng chính là đại gia đình có ảnh hưởng rất lớn đối với người Hà Nhì và có những cá nhân xuất sắc có nhiều đóng góp trong nỗ lực xây dựng đời sống mới cho dân tộc, cho quê hương.

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi ngược dốc tìm đến Ðồn Biên phòng 317 để thăm những người lính quân hàm xanh đang lặng lẽ ngày đêm bảo vệ từng tấc đất chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, vừa chăm lo, giúp đỡ nhân dân vùng biên từng bước được no ấm. Ðồn trưởng Nguyễn Ðức Thắng cùng anh em chiến sĩ từng nhiều lần tiếp đãi rất nồng nhiệt các đoàn khách. Tình cảm của những người dân và chiến sĩ biên phòng nơi vùng biên xa xôi khiến A Pa Chải trở nên đẹp hơn, đáng nhớ hơn. Qua sự hướng dẫn của các chiến sĩ biên phòng, du khách có thể đi thăm các cột mốc biên giới, đặc biệt là mốc số 0 trên đỉnh Khoang Sa Lan hùng vĩ. Ðến A Pa Chải mà chưa đặt chân đến nơi phân định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc thì thật là một thiếu sót đáng tiếc. Vượt qua mấy chục km đường mòn xuyên rừng gian nan và mệt nhọc, lên với mốc số 0, để thu vào tầm mắt muôn trùng núi, muôn trùng mây, những con đường ngoằn ngoèo như sợi chỉ xuyên qua bản mường, để thấy thêm tự hào, thêm yêu hơn giang sơn gấm vóc ông cha để lại.

Không như chúng tôi đã hình dung trước đó về một chốn "thâm sơn cùng cốc", mà trái lại người Hà Nhì ở A Pa Chải có một cuộc sống tương đối đầy đủ, với nếp sinh hoạt khá văn minh. Những nếp nhà gỗ vững chắc được lợp tôn, khu vệ sinh đặt cách xa nơi ở, trâu bò được nhốt trong chuồng trại, trẻ em có quần áo mặc, có chăn ấm khi mùa lạnh về. Những ngày này, người dân ở bản Tá Miếu, ở Tả Kố Khừ đang háo hức và chuẩn bị cho một dịp đặc biệt đang cận kề: Tết cổ truyền Hồ Sự Chà (Tết cơm mới). Ðược ấn định vào ngày con rồng đầu tiên của tháng 12 dương lịch (theo quan niệm của người Hà Nhì), Tết Hồ Sự Chà là ngày hội lớn và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Du khách thập phương đến vào dịp này sẽ may mắn có cơ hội trải nghiệm một không gian văn hóa đặc sắc tuyệt vời với những gì tinh hoa nhất của núi rừng miền Tây Bắc và con người được thể hiện qua ẩm thực, qua trang phục, qua âm nhạc và những câu chuyện kể cùng các phong tục, tập quán tốt đẹp lâu đời...

Sau mười năm thành lập huyện Mường Nhé, nhờ những chủ trương, chính sách tích cực của Ðảng và Nhà nước mà giờ đây A Pa Chải đã không còn quá xa xôi. Có nhiều những bài viết, những hình ảnh được chia sẻ trên báo chí và cộng đồng mạng in-tơ-nét về xứ sở tươi đẹp và ấm tình người ở tận cùng phía tây này. Thậm chí trong giới du lịch "phượt", cái tên A Pa Chải luôn là một trong số những địa danh phải đến, là một khát khao chinh phục lớn lao. Chuyến đi đến A Pa Chải đã để lại trong chúng tôi thật nhiều trải nghiệm, cảm xúc sâu sắc, vừa giống như những gì đã nghe nói, mà lại vừa choáng ngợp hơn, yêu thích hơn. Rời ngã ba biên giới, cũng đừng quên mang theo một ít những sản vật giản dị mà thật quý như mật ong, rau rừng, bánh dày Hà Nhì... để làm quà cho bạn bè, người thân, mang về xuôi chút hương vị và chút tình ngọt lành của rừng núi Tây Bắc.