Nhà thơ mong cùng hướng đến ngày kỷ niệm trọng đại nhất của đất nước, khơi dậy tình yêu và lòng tự hào dân tộc đối với thế hệ hôm nay, nhắc nhớ về sự biết ơn các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu giành độc lập cho Tổ quốc.
Trường ca gồm 21 chương và 5 phần bình luận bằng thơ, kể về chiến dịch Điện Biên từ những ngày đầu đến lúc kết thúc chiến tranh và cuộc sống hôm nay. Đầu năm 2001, nhà thơ Hữu Thỉnh thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam lên trao giải thưởng văn học năm 2000 của Hội cho tác phẩm “Điện Biên Phủ” - điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã được gặp Đại tướng, cuốn sách đã gợi cảm hứng cho ông sáng tác. Sau nhiều năm suy ngẫm, nhà thơ quyết định phải viết một cái gì đó về Điện Biên Phủ. Ông đã nhiều lần lên Điện Biên, đến các địa danh lịch sử, gặp gỡ một số nhân chứng từng chiến đấu ở Điện Biên, đọc nhiều sách báo viết về các chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh.
Qua 70 năm, chiến dịch Điện Biên Phủ đã được các nhà quân sự, các sử gia, các nhà văn, nhà báo và nhất là những người trong cuộc nói tới rất nhiều, khai thác dưới mọi khía cạnh. “Đến lượt mình, tôi phải tìm cách thể hiện khác, và tôi viết bằng trường ca”, nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ. Với tất cả sự thành tâm, nhà thơ chỉ dám xem “Giao hưởng Điện Biên” như một nén nhang tinh thần tri ân những người đã làm nên một trong những chiến công oanh liệt nhất trong thời đại Hồ Chí Minh. Song, ông cũng nhấn mạnh, Điện Biên Phủ từng giờ từng phút đang gửi đi thông điệp khắp hành tinh những lời hịch của tự do, độc lập, những khát khao cháy bỏng hòa bình. Trong bài “Khúc tưởng niệm”, ông viết: “Lên Điện Biên bây giờ gần lắm/đường về quá khứ một giờ bay/khu lòng chảo đã trở thành thành phố/những con đường bịn rịn những hàng cây/bảy mươi năm đất đã về với đất/những chiến hào đã lành lại Mường Thanh…”.
Hữu Thỉnh được coi là nhà thơ của trường ca với nhiều tác phẩm như “Sức bền của đất”, “Đường tới thành phố”, “Trường ca biển”, “Trăng Tân Trào”… Ông vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2001; Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012.