Ngược thượng nguồn

Oai linh miền cổ tích sông Đà

Thời gian như dòng nước xiết, mới đấy mà đã gần hai chục năm trời, ngày lòng hồ thủy điện Sơn La tích nước. Vẫn thấy thấp thoáng hình ảnh già Sương trên bến Pắc Ma, Quỳnh Nhai (Sơn La) - một chiều ngồi bệt trên doi cát tả ngạn đăm đắm nhìn ngấn nước cứ lấn dần lên đến ngón chân mình... Để đến bây giờ, một dải sông Đà đã thay hình đổi dạng, dòng sông oai linh ghềnh thác khi xưa, hôm nay bình lặng những mặt hồ gợn sóng...
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội Biên phòng Lai Châu cùng người dân địa phương đi tuần tra khu vực cột mốc biên giới. Ảnh: ĐỨC DUẨN
Bộ đội Biên phòng Lai Châu cùng người dân địa phương đi tuần tra khu vực cột mốc biên giới. Ảnh: ĐỨC DUẨN

Kỳ 1: Dòng sông ghềnh thác

Trình diện đất Việt từ Kẻng Mỏ, sông Đà đã tạo dấu ấn thác ghềnh. Kẻng Mỏ là tên ngọn thác mà khi dội xuống phía dưới, ngọn thác tạo thành một vùng xoay tròn như nước trong một chiếc chảo khổng lồ.

Bắt đầu từ cột mốc 17 trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, sông Đà chạm vào đất Việt. Đoạn sông thượng nguồn dài đúng 7 cây số, là đường phân thủy giữa huyện Giang Thành (Vân Nam - Trung Quốc) và huyện Mường Tè (Lai Châu - Việt Nam). Về đến cột mốc 18 trên đất Mù Cả (huyện Mường Tè), Đà giang hợp lưu với phụ lưu Tiểu Hắc đến từ xã Ca Long để vào sâu đất Việt. Trên đất Việt Nam, sông Đà có độ dài 587km. Như vậy, nếu tính cả phần sinh thủy trên đất Trung Quốc, sông Đà có độ dài trên dưới 1.000 cây số.

Về tổng thể, sông Đà chủ yếu chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Ở thượng nguồn, sông Đà chảy giữa hai dãy núi cao, dãy Pu Si Lung (bên trái), dãy Pu Đen Đinh (bên phải). Về mùa cạn, lòng sông chỉ rộng từng 40-60m. Độ dốc bình quân rất cao (160cm/km) nên lắm thác ghềnh. Trong đó, có những ngọn thác hung dữ vào bậc nhất của các dòng sông trên xứ Đông Dương.

Đoạn trung lưu kết thúc khi sông Đà về đến Chợ Bờ (Đà Bắc, Hòa Bình). Đoạn này, sông Đà chủ yếu chảy trên đất Sơn La. Ở đoạn trung lưu, sông Đà chạy uốn quanh giữa “nóc nhà Đông Dương” Hoàng Liên Sơn trên đất Lào Cai và dãy Pu Sung Chảo Chai trên đất Sơn La. Độ dốc trung bình vào khoảng 38-40cm/km. Do độ dốc giảm dần, dòng chảy vẫn nhiều ghềnh thác xong về mùa khô, trên đoạn sông này, thuyền bè có thể xuôi ngược thuận lợi, nhất là đoạn từ Tạ Bú về đến hạ lưu. Qua địa phận Chợ Bờ, dòng sông yên bình êm chảy. “Qua thác Tiếu - trải chiếu mà nằm!”. Dân vạn đò bảo thế.

Đoạn hạ lưu tính từ Chợ Bờ về đến ngã ba Hồng Đà. Ở đoạn này lòng sông mở rộng, có điểm lòng sông rộng tới 200m. Qua khỏi thác Bờ, sông bình lặng trôi giữa hai bờ cát trắng và đi theo hướng Tây - Đông. Đến gần TP Hòa Bình, dòng chảy đột ngột trở ngược theo hướng Tây Nam - Đông Bắc do vấp phải ba đỉnh núi thiêng: Đỉnh Đối Thôi (1.198m) trên đất Cao Phong, đỉnh Viên Nam (1.131m) trên đất Kỳ Sơn (Hòa Bình) và đỉnh Tản Viên (1.296m) trên đất Ba Vì (Hà Nội).

Trình diện đất Việt từ Kẻng Mỏ, sông Đà đã tạo dấu ấn thác ghềnh. Kẻng Mỏ là tên ngọn thác mà khi dội xuống phía dưới, ngọn thác tạo thành một vùng xoay tròn như nước trong một chiếc chảo khổng lồ. Có người giải thích rằng, thác Kẻng Mỏ dịch ra tiếng phổ thông là thác Rơi Chảo. Số là, khi bè lao qua thác, lái bè buộc chặt cái chảo vào bè gỗ. Thác đổ xuôi - bè dựng ngược, cái chảo quý ấy biến mất vô tăm trong lòng thác lũ. Về đến Mường Lay, sông Đà hợp lưu với dòng Nặm Na đến từ cửa khẩu Ma Lù Thàng (Ma Lùng Thàng) trên đất Sìn Hồ và nhánh Nặm He đến từ hữu ngạn. Hai phụ lưu này gặp sông Đà làm nên một cái ngã tư sông nước. Những ngày đã xa, mùa lũ dữ, cả một vùng phố thị Mường Lay, trong đó có dinh thự được xây dựng theo kiểu Tây phương của chúa đất Đèo Văn Long đêm ngày chìm trong tiếng thác lũ réo gầm. Sông nước mịt mờ, lắm khi cả tuần bụi nước bắt nắng ánh lên bảy sắc cầu vồng huyễn hoặc. Những ngày này, tuyệt nhiên không có chiếc thuyền, chiếc bè nào dám lao qua thác lũ. Mà năm nào cũng vậy, trôi theo dòng nước xiết là gỗ lạt, tre pheo và còn có cả thân xác những người xấu số. Vũng quẩn Tả Van, mùa lũ, những xác người vật lên trên đầu ngọn sóng. Có những cái chết thương đau để lại cho những người chứng kiến ám ảnh tiếc nuối lâu dài…

Còn nhớ, đầu mùa lũ năm 2003, trong một chuyến công tác trên sông Đà thuộc địa phận huyện Mường Tè để ghi lại hình ảnh dòng sông trước khi thác ghềnh biến mất bởi những cao trình của thủy điện Sơn La. Trong lúc đang say mê ghi hình vượt thác, một phóng viên của đài truyền hình Lai Châu từ trên thuyền bật ngã vào dòng nước xiết. Những người cùng đi kể lại, khi người bạn xấu số vừa chạm mặt sông đã bị xoáy nước hút mất tăm, dù anh đang mặc áo phao. Không có một dấu tích nào hiện lên trên mặt sóng. Không một ai dám lao xuống dòng nước xiết, bởi hành động đó đồng nghĩa với việc tự sát. Có đến mấy chục người rải suốt chiều dài hai bờ sông từ Mường Tè qua Mường Lay về đến Sìn Hồ và xuống tận Nặm Ma để tìm thi thể. Rồi người thân và đồng nghiệp cũng đón được anh dưới vũng Tả Van. Vũng quẩn Tả Van, vùng nước xoay tròn khiến thi thể những người đuối nước đều dạt vào đây. Nếu không được giữ lại, thi thể người xấu số sẽ lại tiếp tục theo dòng chảy xuống tận vũng quẩn Pắc Ma phía dưới Mường Chiên.

Ghềnh thác làm người đi bè, đi thuyền trên sông luôn căng mình chèo chống. Lòng sông, còn có vô vàn những khối đá hoặc nhô cao, hoặc chìm sâu dưới dòng chảy ẩn chứa nhiều tai họa. Phía trên khai trường mỏ than mỡ Quỳnh Nhai (Sơn La), có một khối đá hình con thuyền nằm xế bên tả ngạn. Mùa lũ, khối đá mang dáng con tàu dũng mãnh lao lên phía trước. Khối đá - con tàu ấy từng hứng chịu không ít đạn bom quân thù trong suốt quá trình chiến tranh do máy bay của cả người Pháp và người Mỹ trút xuống. Nhìn từ trên cao, phi công nghĩ rằng, đó là con thuyền đang rẽ sóng lao lên…

Dữ liệu quan trắc thủy văn hằng thế kỷ qua cho biết, về tổng thể, sông Đà chiếm 31% lưu lượng nước sông Hồng. Nhưng về mùa mưa, lượng nước sông Đà chiếm tới 80% tần suất lũ sông Hồng. Trị thủy được sông Đà đồng nghĩa với việc đạt được mục tiêu trị thủy sông Hồng. Còn nguyên trong ký ức, mỗi mùa lũ đến, người dân của cả một dải ngoài đê Nhị Hà (Hà Nội), từ cầu Thăng Long đến Phà Đen luôn trong tình trạng báo động. Tình trạng ấy đột ngột chấm dứt sau mùa mưa năm 1988, năm lòng hồ thủy điện Hòa Bình chặn dòng, tích nước. Có thể hôm nay, người ta quan tâm nhiều đến hiệu quả kinh tế do công trình này đem lại song người dân Hà Nội và các tỉnh hạ lưu, không còn quá lo tình trạng vỡ đê, hạn hán, mấy ai còn nhớ đến những hy sinh nhiều mặt của hàng trăm nghìn hộ đồng bào miền núi ra đi nhường lại quê hương cho lòng hồ thủy điện bấy giờ?!

(Còn nữa)