Dòng họ hiếu học
Phải mất đúng 24 giờ ngồi xe ô-tô chúng tôi mới đến được bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Số giờ ngồi xe ấy theo tôi đã là "thuận lợi" lắm, bởi chừng 10 năm trước phải mất đến ba ngày đường, mà nhiều đoạn còn phải đi bộ. Trong tâm trí của nhiều người trẻ, leo "mốc 0" nằm ở biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc là một trải nghiệm hiếm có trong đời. Vì thế dù đường sá xa xôi cách trở, khó khăn vất vả trùng trùng, vẫn có không ít người tìm đến. Lý do đưa tôi đến Sín Thầu hơi khác. Tôi từng nghe kể về dòng họ Pờ của dân tộc Hà Nhì ở ngã ba biên giới rất hiếu học, cha mẹ dù ăn đói, mặc rách cũng cố vun vén để đưa con đến trường. Sự hiếu học đã lan tỏa, truyền cảm hứng cho nhiều người dân vùng này. Cách đây tám năm, ông Pờ Dần Sinh (nguyên Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã giai đoạn 2000-2015) rơi nước mắt nhắc đến con đường nhựa nối liền bản Tả Kố Khừ (trung tâm xã Sín Thầu) với trung tâm huyện Mường Nhé: "Ơn Ðảng, ơn đất nước là đây! Chính con đường này sẽ giúp người dân thoát khổ". Không sướng vui sao được khi bao thế hệ người dân chưa từng mơ tới sẽ có một con đường để ô-tô chạy về cho đôi chân đỡ mỏi, cho nông sản về xuôi, cho con em đến trường, đưa ánh sáng tri thức về bản.
Còn 10 cây số nữa mới đến bản A Pa Chải thì chúng tôi bị "bắt cóc" giữa đường. Số là Pờ Hùng Sang, con ông Pờ Dần Sinh qua điện thoại biết chúng tôi lên công tác nhất định "bắt" phải vào ăn Tết. Người Hà Nhì ở Ðiện Biên ăn Tết vào tháng 12, ở Lai Châu ăn Tết vào tháng 11. Dù khác nhau về thời gian nhưng bắt buộc phải vào ngày Thìn (tính theo nông lịch). Xưa, Tết Hà Nhì chỉ bắt đầu sau ba giờ sáng ngày Thìn của tháng Tý, thủ tục bắt đầu bằng việc mổ lợn cúng tổ tiên, thần bếp rồi mời bè bạn, họ hàng bữa cơm chung vui. Những năm gần đây, cuộc sống đã đủ đầy, các gia đình ở bản Tả Kố Khừ có thêm mâm cơm tất niên. Bữa cơm tất niên nhà ông Pờ Dần Sinh hôm đó có mấy món cá, thịt gà... Ðều là sản phẩm "trong vườn nhà". Giữa tiệc vui, Pờ Hùng Sang kể chuyện thời đi học phổ thông phải săn chuột đồng để ăn. Khổ thế, nhưng thời đó thiếu đói quá đến đứa trẻ con cũng trưởng thành hơn. Ði học xa nhà, đứa nào cũng mang theo một cây nỏ, cánh ná chừng 40 cm. Loại này chỉ bắn được chuột, mà cũng phải ở cự ly gần mới hiệu quả. Hùng Sang chui vào núp dưới lùm cây chuối, thấy chuột rột roạt đi trên lá là bắn từ dưới lên. Sau nhiều lần chuột như cũng khôn ra không còn đi trên lá chuối nữa, cậu chàng chuyển sang đi đào hang, móc hốc. Gian khổ thế nhưng cuối cùng cậu đã học hết bậc phổ thông rồi vào đại học.
Năm nay, Tết Hà Nhì được tổ chức to. Lần đầu tiên huyện đứng ra tổ chức cho nhân dân bốn xã gồm: Sín Thầu, Sen Thượng, Chung Chải và Leng Su Sìn. Ðịa điểm được chọn là khu vực Tá Miếu thuộc xã Sín Thầu. Theo ông Pờ Dần Sinh, chọn vị trí tổ chức ở Tá Miếu là rất ý nghĩa, đó như lời nhắc nhở người Hà Nhì phải hiếu học và biết giữ gìn bản sắc dân tộc mình. Tá Miếu nghĩa là "miếu to" theo tiếng Việt và thực tế thì ở đây cũng từng có một cái miếu to. Ngôi miếu này liên quan đến việc nghĩa quân Hoàng Công Chất đánh đuổi giặc xâm lăng, đuổi đến đây thì thu quân. Thủ lĩnh nghĩa quân lúc đó đã cho xây một ngôi miếu để thờ những nghĩa binh đã hy sinh vì đất nước. Ông Sinh nhớ lại: Các cụ kể rằng miếu có bia đá, khắc chữ Nho, nhưng dân ở vùng này chẳng ai biết chữ cho nên chẳng biết văn bia viết gì. Tuy vậy, quanh khu vực Tá Miếu cũng từng có một hội đua ngựa, tương truyền rằng diễn ra vào chính dịp giỗ trận ở Tá Miếu. Chuyện xưa nhắc lại, ông Sinh có chút buồn bã: Vì không biết chữ mà nhiều kẻ hậu sinh không biết gìn giữ di tích của tổ tiên, miếu xưa giờ chỉ còn hai lọ hoa bằng đá. Tôi có chút liên tưởng rằng có lẽ vì chuyện này mà gia đình và dòng họ ông Sinh đắm đuối chuyện cho con, cháu học chữ.
Tầm nhìn từ Tá Miếu
Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, Nguyễn Quang Hưng cho biết: Từ năm 2020 trở đi, huyện sẽ thường xuyên tổ chức Lễ hội Tết tập trung tại khu vực Tá Miếu, xã Sín Thầu. Lần này là dịp để rút kinh nghiệm việc tổ chức lễ hội gắn với phát huy giá trị văn hóa. Các dân tộc khác cũng sẽ được tổ chức lễ hội. Mục đích nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân đồng thời gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Lần đầu dân tộc Hà Nhì tổ chức ăn Tết chung theo hình thức sinh hoạt cộng đồng thu hút rất đông người dân trong vùng tham gia hưởng ứng. Trong lễ hội có các hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Về quy mô, lễ hội được tổ chức cho người Hà Nhì ở bốn xã, xa nhất là Chung Chải cách Tá Miếu gần 40 km nhưng người dân xã này đến dự rất đông. Không gian lễ hội cũng được tổ chức khá hợp lý. Khán đài trung tâm được dựng ngay phía trước của nền di tích miếu cổ. Lùi ra mấy ngọn đồi phía ngoài là khu vực lán, trại văn hóa của các xã. Trong trại, những mâm cơm Tết đã được bày ra đúng với phong tục cổ truyền. Chủ, khách râm ran chuyện trò, nâng chén. Ra tiếp nữa có dòng suối. Lòng suối đầy đá tảng như những con trâu nằm, nước trong thấy đáy, hoa rừng rực rỡ đổ nghiêng tạo nên bức tranh xuân tuyệt đẹp. Mùa này ở Mường Nhé nắng vàng óng mật, hoa dã quỳ nở rộ khung cảnh rất nên thơ. Năm nay do dịch Covid-19 cho nên biên giới đóng cửa, du khách cũng hạn chế đi lại. Chắc chắn sang năm, lễ hội sẽ đông vui hơn rất nhiều.
Mạ Pư, một cô gái trẻ ở bản Sín Thầu, là thành viên đội văn nghệ quần chúng của xã, kể rằng mỗi gia đình người Hà Nhì đều có những lời ca, điệu múa riêng của dòng họ. Ðây có thể coi là những di sản quý mà dân tộc Hà Nhì vẫn cất giữ trong nhà. Phụ nữ Hà Nhì vô cùng chịu thương chịu khó, quanh năm ít có dịp vui chơi giải trí. Nay lễ hội của dân tộc mình được tổ chức tập trung, ngay trên quê hương cho nên mọi người háo hức, chờ đón. Sang thăm trại văn hóa của xã Chung Chải, tôi gặp người quen là Bí thư Ðảng ủy xã Pừ Xà Chừ. Anh Chừ rất vui cho biết: Nhiều bản ở xã Chung Chải có một đội văn nghệ, người dân mong chờ lễ hội để được biểu diễn bởi ở vùng này không có hoạt động tương tự, xã cũng không có điều kiện để tổ chức hội thi văn nghệ cho mọi người như ở dưới xuôi. Hỏi thăm về tình hình chung của xã, anh cho biết: Tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao nhưng xã đang cố gắng giảm. Về cách làm, Chung Chải sẽ học tập Sín Thầu.
Sín Thầu là xã chuyển biến khá của huyện Mường Nhé, hiện đã đạt 18 trong số 19 tiêu chí nông thôn mới, chỉ trong một nhiệm kỳ mà giảm số hộ nghèo từ 70% xuống còn 30%. Theo đánh giá của Huyện ủy, Sín Thầu hoàn thành nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội nhờ hệ thống tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên hoạt động hiệu quả. Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu, Pờ Mỳ Lế là một thí dụ. Chị là người có tư duy đổi mới, ham học hỏi, luôn thể hiện được năng lực chuyên môn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Năm 2015, khi được bầu là Bí thư Ðảng ủy xã, Pờ Mỳ Lế đã đặt ra mục tiêu là thay đổi nhận thức của người dân về phát triển kinh tế và xây dựng Ðảng. Trong nhiệm kỳ qua, Ðảng bộ xã kết nạp được 50 đảng viên và thành lập ba chi bộ mới. Các tổ chức cơ sở đảng là lực lượng nòng cốt để Ðảng ủy xã thực hiện "ba không": không tệ nạn, không tội phạm và không ma túy; giữ vững quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế, văn hóa và giáo dục. Từ nhiều năm qua, Sín Thầu có tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến lớp đạt 99%. Ðó chính là những hạt giống mà người dân Sín Thầu gieo cho tương lai. Từ thành công của mình, Sín Thầu đã truyền cảm hứng cho nhiều xã lân cận.
Theo Ðồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Ðiện Biên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, Cửa khẩu A Pa Chải đã được quy hoạch trở thành cửa khẩu quốc tế, còn bản A Pa Chải sẽ trở thành đô thị loại V. Dễ thấy, Lễ hội Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì trong tương lai sẽ là một điểm nhấn quan trọng của du lịch Mường Nhé. Bản sắc hôm nay được giữ gìn sẽ là báu vật của ngày mai.