Ðiện Biên - Ðiểm hẹn du lịch 2024

Mỗi độ tháng Ba, hoa ban lại bung nở trắng trời như gửi gắm lời gọi mời du khách náo nức tìm về với Lễ hội Hoa ban, về với Ðiện Biên. Nhưng tháng Ba năm nay trở nên đặc biệt hơn, khi mảnh đất chiến trường xưa được chọn lựa là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia - Ðiện Biên 2024, vào đúng dịp kỷ niệm chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” tròn bảy thập kỷ.
0:00 / 0:00
0:00
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - điểm đến thu hút đông đảo du khách đến với Điện Biên.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - điểm đến thu hút đông đảo du khách đến với Điện Biên.

Tiềm năng du lịch của “vùng biên cương vững chắc”

Theo lý giải của ông Nguyễn Minh Phú - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Điện Biên thì trong phiên âm tiếng Hán, Điện-có nghĩa là vững chắc, Biên-có nghĩa là vùng biên cương. Bởi thế, Điện Biên chuyên chở ý nghĩa “vùng biên cương vững chắc”. Đây cũng là miền đất sở hữu những tiềm năng, lợi thế vô tận để phát triển du lịch với nhiều loại hình đa dạng như lịch sử-văn hóa-sinh thái.

Cũng theo số liệu do ông cung cấp, tỉnh hiện có 33 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó 01 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia và 18 di tích cấp tỉnh. Ngoài 18 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Nghệ thuật Xòe Thái và Thực hành Then của người Tày-Nùng-Thái đã được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Mái ấm Điện Biên quy tụ tới 19 dân tộc thiểu số chung sống, với những cộng đồng dân cư sở hữu những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, riêng có, giàu sức hấp dẫn về phong tục tập quán, sản xuất, sinh hoạt, tín ngưỡng cùng các lễ hội đang được bảo tồn, tôn vinh, phát triển để trở thành nét văn hóa đặc trưng như: Lễ hội Hoa ban, Lễ hội đền Hoàng Công Chất, Lễ hội Đua thuyền Đuôi én cùng các lễ hội, tết truyền thống của đồng bào dân tộc người Thái, Mông, Lào, Hà Nhì...

Mỗi dân tộc đều ôm chứa những nét văn hóa đặc trưng riêng, những thiết chế văn hóa xã hội truyền thống riêng (như thiết chế Bản mường của người Thái dựa trên lãnh thổ công, thiết chế dòng họ của người H’Mông...) cùng những món ăn đặc sản mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa của vùng cao Tây Bắc. Tất cả đều là những lợi thế trong phát triển du lịch nhân văn, vốn đặc biệt hấp dẫn du khách, nhất là đối tượng khách quốc tế.

Điểm nhấn đã trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh chính là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Đến với Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ vừa được xây dựng bề thế và trang nghiêm, Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng... cùng hàng loạt Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1, Him Lam, Độc Lập, Tông Khao..., mỗi nẻo đường, mỗi địa danh nơi đây đều có thể kể cho chúng ta nghe rất nhiều lát cắt hào hùng của “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng, chí không mòn” mà nhà thơ Tố Hữu từng cảm tác.

Ngoài ra, Điện Biên còn ôm chứa trong mình nhiều di tích lịch sử gắn với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc như Tháp Mường Luân, Thành Tam Vạn, Thành Bản Phủ, Đền thờ Hoàng Công Chất... Du khách sẽ đồng cảm với lời thơ của thi sĩ Văn Thảo Nguyên, “mỗi thước đất gặp một dòng tráng sử” khi được đặt chân tới những điểm đến lịch sử-tâm linh nổi danh đó.

Không chỉ có vậy, Điện Biên còn sở hữu mỏ vàng du lịch sinh thái vô giá, với những sản phẩm du lịch trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên độc đáo như nghiên cứu Hệ sinh thái hồ Pá Khoang, trải nghiệm Đảo Hoa anh đào, thám hiểm Rừng Di tích lịch sử Mường Phăng, chinh phục đèo Pha Đin huyền thoại hay điểm cực Tây của Việt Nam - A Pa Chải...

Rồi tự hào check-in nơi Ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, khám phá cao nguyên đá và hệ thống hang động tại huyện Tủa Chùa hay dầm mình trong làn nước khoáng nóng, tinh khiết với trữ lượng lớn ở Pe Luông, U Va ... Cùng với đó là các vùng sinh thái tự nhiên khá lớn để phục vụ và phát triển du lịch, như Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, động Pa Thơm, hang Thẩm Púa... bản Sáng (Tuần Giáo)...

Hiện nay, Điện Biên là địa phương duy nhất trong các tỉnh Tây Bắc có cảng hàng không kết nối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, vừa được nâng cấp, mở rộng thành sân bay lớn, đủ điều kiện cho máy bay A320, A321 hoạt động. Ngoài ra, hệ thống giao thông đường bộ kết nối các tỉnh trong khu vực đang được quan tâm đầu tư, mở rộng... Đó là những yếu tố quan trọng để tỉnh Điện Biên xây dựng và phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Nhận thức rõ cả tiềm năng và thế mạnh mà tỉnh đang sở hữu, “Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã vạch ra lộ trình cụ thể hướng tới “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch đóng góp trên 10% GRDP của tỉnh và đến năm 2050, Điện Biên sẽ là trọng điểm du lịch văn hóa-lịch sử-sinh thái quốc gia hướng tới đẳng cấp quốc tế”.

Kỳ vọng một cú huých tạo đà cất cánh

Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với chính quyền cùng người dân tỉnh biên giới thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc này, với những dấu mốc lịch sử không thể nào quên như 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), 115 năm thành lập tỉnh (28/6/1909 - 28/6/2024) và 270 năm ngày nghĩa quân Hoàng Công Chất giải phóng Mường Thanh.

Ðiện Biên - Ðiểm hẹn du lịch 2024 ảnh 1

Hòa mình vào không khí lễ hội của 19 dân tộc anh em là trải nghiệm độc đáo mà du khách hào hứng đón nhận. Nguồn ảnh trong bài | Sở VHTTDL Điện Biên.

Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 là sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội tiêu biểu, có quy mô quốc gia và tầm quốc tế. Việc tổ chức sự kiện lớn này được kỳ vọng là cú huých rất quan trọng giúp cho kinh tế - xã hội nói chung và du lịch tỉnh Điện Biên nói riêng khởi sắc, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực trong đầu tư phát triển, xây dựng các sản phẩm mới, hấp dẫn, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Nhìn lại năm 2023, xứ sở hoa ban đã kịp ghi dấu mốc ấn tượng, khi lần đầu tiên lượng khách đến với Điện Biên ước đạt 1 triệu lượt (trong đó ước khoảng 75 nghìn khách quốc tế), đạt 107% so với kế hoạch đề ra và tăng 23% so với năm trước. Số ngày lưu trú bình quân của du khách đạt mức 2,6 ngày. Tổng thu từ du lịch ước đạt 1.750 tỷ đồng, tăng 29,6% so với năm 2022.

Cái đích cần chinh phục cũng đã được hoạch định cho năm 2024 với 1,3 triệu lượt khách (trong đó có 200 nghìn khách quốc tế) chọn nơi đây làm điểm dừng chân, tổng thu từ du lịch đạt 2.200 tỷ, số ngày lưu trú bình quân đạt trên 3 ngày. Thậm chí, ngành du lịch đã nhanh chóng tự tin đề ra con số 1,45 triệu lượt khách, doanh thu 2.380 tỷ đồng vào năm 2025 và 2,65 triệu lượt khách, mang lại doanh thu hơn 5 nghìn tỷ đồng vào năm 2030.

Theo số liệu mà đại diện Sở VHTTDL tỉnh cung cấp, tính đến thời điểm hiện nay, toàn Điện Biên có 205 cơ sở lưu trú du lịch (2.769 phòng, với 5.035 giường) với 31 khách sạn, 147 nhà nghỉ, 8 homestay và 19 nhà khách, công suất sử dụng buồng phòng khoảng 70% và 120 nhà hàng. Tỉnh cũng đã có 19 điểm tham quan, 12 điểm vui chơi giải trí, 12 bản văn hóa đang triển khai dịch vụ phục vụ khách du lịch. Điện Biên đã sẵn sàng chào đón một lượng lớn du khách hào hứng trải nghiệm, khám phá trong suốt năm 2024.

Với chủ đề xuyên suốt “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận”, “tạo đà phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm du lịch của Vùng trung du miền núi Bắc Bộ” là cái đích mà chính quyền và người dân Điện Biên đang đồng lòng, chung tay cùng hướng tới, thông qua dày đặc những hoạt động của Năm du lịch quốc gia sẽ diễn ra trong suốt năm Giáp Thìn.

Với 169 chương trình, sự kiện hưởng ứng (trong đó có 13 chương trình, sự kiện quốc gia do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp tổ chức; 28 đầu mục do tỉnh Điện Biên thực hiện; 128 sự kiện, hoạt động hưởng ứng do 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai), “chúng tôi tin tưởng rằng qua sự kiện Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, những giá trị, tiềm năng của du lịch Điện Biên nói riêng, vùng Tây Bắc và du lịch Việt Nam nói chung sẽ được hội tụ, phát huy và quảng bá hiệu quả” - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy bày tỏ.

Một số hoạt động được coi là điểm nhấn của Năm Du lịch quốc gia - Ðiện Biên 2024

Lễ Khai mạc, gắn với tổ chức Lễ hội Hoa ban năm 2024 qua chủ đề “Về miền Hoa ban” được tổ chức vào ngày 16/3/2024 tại Quảng trường 7-5. Chương trình nghệ thuật đặc biệt và bắn pháo hoa nổ tầm cao được tổ chức vào tối ngày 06/5/2024 tại Quảng trường 7-5 và Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ được tổ chức vào sáng ngày 7/5/2024 tại Sân vận động tỉnh Ðiện Biên. Hội chợ Du lịch Tây Bắc - Ðiện Biên và Liên hoan Ẩm thực toàn quốc năm 2024 tổ chức vào tháng 8/2024, tại Quảng trường 7-5. Hội chợ Công thương vùng Tây Bắc - Ðiện Biên năm 2024 vào Quý II/2024 và Lễ Tổng kết, Bế mạc “Năm Du lịch quốc gia - Ðiện Biên 2024” tổ chức vào tháng 12/2024 tại thành phố Ðiện Biên Phủ...