Niềm trăn trở của người làng đá
Làng Khuổi Ky còn được gọi với tên thân thương là “làng đá của người Tày” bởi suốt nhiều thế hệ đá đã gắn bó mật thiết với đời sống của bà con nơi đây. Đá được dùng để dựng nhà, làm đường, chế tác thành các vật dụng trong gia đình. Người dân Khuổi Ky từ khi còn nhỏ đã lớn lên cùng đá, chơi đùa cùng đá. Trong quan niệm của người Tày, đá là trung tâm vũ trụ, khơi nguồn của sự sống. Đá chứng kiến những vui buồn, thăng trầm cùng dân làng. Vậy nên đá vừa là chứng nhân, vừa là nơi lưu giữ hồn cốt cùng những ước vọng của người Tày ở Khuổi Ky.
Kiến trúc từ đá giúp cho diện mạo của Khuổi Ky khác biệt hoàn toàn với nhiều ngôi làng khác ở Cao Bằng nói riêng và khu vực miền núi phía bắc nói chung
Ngôi nhà sàn bằng đá của người Tày ở Khuổi Ky. (Ảnh: THI PHONG) |
Cùng với việc bảo tồn, giữ gìn kiến trúc của những ngôi nhà đá có tuổi đời hàng trăm năm, người Tày ở Khuổi Ky còn rất tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình, như các điệu hát then, những giai điệu đàn tính, những món ăn dân dã, giầu bản sắc.
Cùng với việc bảo tồn, giữ gìn kiến trúc của những ngôi nhà đá có tuổi đời hàng trăm năm, người Tày ở Khuổi Ky còn rất tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình, như các điệu hát then, những giai điệu đàn tính, những món ăn dân dã, giầu bản sắc. Nhưng suốt nhiều năm bà con nơi đây không biết cách nào để đá cùng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc có thể mang lại của cải, giúp người dân bớt nghèo, bớt khó khăn.
Trải qua nhiều thế hệ, đời sống của bà con nơi đây chỉ biết trông cậy hoàn toàn vào mảnh ruộng, con sông, con suối, bữa đói, bữa no. Gặp khi thất bát, thiên tai, không ít gia đình rơi vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Làm thế nào để giúp bà con thoát được đói nghèo là niềm trăn trở, day dứt thường trực của chính quyền địa phương.
Những bức tường rào làm bằng đá ở Khuổi Ky. (Ảnh: THI PHONG) |
Đánh thức tiềm năng sẵn có
Năm 2008, làng đá cổ Khuổi Ky được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức công nhận là “Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người”. Đây được coi như tiền đề, “cú hích” quan trọng giúp địa phương thúc đẩy phát triển du lịch, từng bước tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho người dân. Du lịch được kỳ vọng là cánh cửa giúp người dân Khuổi Ky thoát nghèo bền vững.
Nhưng làm thế nào để biến một ngôi làng thuần nông trở thành một làng du lịch cộng đồng, khai thác những tiềm năng sẵn có để thu hút khách thập phương tìm đến là một bài toán khó đối với chính quyền địa phương.
Ngôi làng nằm cạnh dòng suối Khuổi Ky trong xanh. (Ảnh: THI PHONG) |
Nhiều cuộc họp đã được tổ chức nhằm phân tích rõ những lợi thế và hạn chế, xây dựng đường hướng, cách thức để triển khai du lịch cộng đồng tại Khuổi Ky. Kết quả là từ sự thống nhất cao, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã sẵn sàng vào cuộc với quyết tâm cao. Công tác vận động, tuyên truyền, hướng dẫn bà con được thực hiện từng bước bài bản.
Cụ thể, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành chức năng tổ chức các buổi nói chuyện cũng như mở các lớp tập huấn kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách và dịch vụ homestay để mời người dân cùng tham gia, học hỏi. Ngân hàng chính sách sẵn sàng tạo điều kiện cho bà con vay vốn xây dựng homestay với điều kiện ưu đãi.
Công tác cải thiện môi trường, cảnh quan thiên nhiên trong làng cũng được chính quyền cử người xuống tận nơi để vận động, hướng dẫn bà con. Làm du lịch giờ đây không còn là câu chuyện của từng cá nhân, hộ gia đình, mà cần phải trở thành mục tiêu, nhiệm vụ chung của cả cộng đồng.
Những nếp nhà sàn bình yên có tuổi đời hàng trăm năm. (Ảnh: THI PHONG) |
Chính từ sự vận động, thuyết phục và các chính sách hỗ trợ kịp thời của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, người dân Khuổi Ky đã dần thay đổi tư duy, bắt đầu mạnh dạn thử sức với loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch.
Chính thức từ năm 2016, làng đá Khuổi Ky trở thành làng du lịch. Những homestay đầu tiên bắt đầu mọc lên để đón khách. Người làng Khuổi Kỵ vừa làm, vừa học. Những ngày không có khách, bà con vẫn lo việc đồng áng, duy trì nếp sinh hoạt thường nhật. Có khách tìm đến thì cả làng đều sẵn sàng tâm thế đón khách như đón người thân ở xa mới về.
Chỉ hai năm sau, năm 2018, Khuổi Ky được chọn làm điểm trải nghiệm du lịch cộng đồng trong tuyến du lịch “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Đây là một bước tiến vượt bậc trong phát triển du lịch tại Khuổi Ky.
Ngày càng có nhiều du khách tìm đến với Khuổi Ky. (Ảnh: THI PHONG) |
Năm 2018, Khuổi Ky được chọn làm điểm trải nghiệm du lịch cộng đồng trong tuyến du lịch “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.
Đến nay, tại Khuổi Ky đã có 17 homestay, thu hút khách tìm đến ngày một đông. Không chỉ có khách trong nước mà du khách nước ngoài cũng thấy hấp dẫn với ngôi làng đá cổ nằm bên suối Khuổi Ky trong xanh, lưng tựa vào núi, đẹp như một bức tranh. Đến Khuổi Ky, du khách còn được tham gia các công việc hàng ngày của người dân nơi đây như gặt lúa, bắt cá suối, hoặc trải nghiệm trekking, leo núi, thưởng thức các làn điệu then say đắm.
Làng đá “nở hoa”
Phát triển du lịch cộng đồng đã thay đổi cuộc sống của người dân Khuổi Ky. Bà con đã có thêm sinh kế, thu nhập ổn định, không còn cảnh chạy ăn từng bữa như thuở trước. Nhiều gia đình đã thoát nghèo, cuộc sống dư dả hơn.
Việc chuyển hướng phát triển thành công mô hình du lịch cộng đồng tại Khuổi Ky đã góp phần không nhỏ trong phát triển du lịch, xóa đói giảm nghèo của xã Đàm Thủy. Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Khuổi Ky chỉ còn 8,9%. Năm 2023, toàn huyện Trùng Khánh đón gần 1 triệu lượt khách, trong đó chỉ riêng làng đá Khuổi Ky đón khoảng 5.000 lượt, với hơn 20% là khách quốc tế.
Một góc hiên nhà của người Tày ở Khuổi Ky. (Ảnh: THI PHONG) |
Làng đá Khuổi Ky hôm nay bên cạnh mầu xám lạnh, trầm mặc của những ngôi nhà đá dãi dầu mưa nắng qua hàng trăm năm, đã bừng lên sắc hồng rạng rỡ trên những gương mặt người. Đường đi lối lại quanh xóm ngày càng phong quang, sạch đẹp, được tô điểm bằng các sắc hoa rực rỡ sắc mầu. Du khách đến đây thoải mái chọn các góc đẹp để check-in, lưu lại những khoảng khắc đáng nhớ.
Vào mỗi thứ bảy của tuần cuối tháng, người làng đá lại cùng nhau tổ chức sinh hoạt văn nghệ tại khu vực sân trung tâm. Người làng đá đã chọn một tên gọi thật ý nghĩa cho hoạt động cộng đồng của mình: “Làng đá nở hoa”.
Tháo gỡ những khó khăn để phát triển
Sự chuyển mình mạnh mẽ ở Khuổi Ky là niềm vui chung của bà con làng đá và các cấp chính quyền, cùng các ban, ngành, đoàn thể. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của du khách, việc phát triển du lịch ở Khuổi Ky cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức.
Theo ông Lương Văn La, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trùng Khánh, việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở Khuổi Ky hiện nay đặt ra một số vấn đề cần được tháo gỡ. Cụ thể là việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ vẫn còn những vướng mắc, công tác quảng bá chưa được nhiều, môi trường du lịch chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, cơ sở vật chất còn manh mún, chủ yếu do người dân tự đầu tư xây dựng, tạo sản phẩm du lịch chủ yếu do người dân tự làm...
Từ đây, đặt ra những yêu cầu cần phải thực hiện trong thời gian tới đó là đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, cải thiện hạ tầng cơ sở, đặc biệt là giao thông. Công tác vệ sinh môi trường cũng cần được chú trọng, như việc thu gom rác thải, vận động người dân thay đổi nhận thức, di dời gia súc ra khỏi gầm nhà sàn, nơi ở. Trong phát triển du lịch người dân cần tuân thủ về quy hoạch, gìn giữ cảnh quan, gìn giữ kiến trúc so với nguyên gốc ban đầu.
Việc xây dựng các homestay ở Khuổi Ky cần chú trọng việc bảo tồn các kiến trúc truyền thống. (Ảnh: THI PHONG) |
Ông Lương Văn La chia sẻ: “Nếu phát triển du lịch không gắn với giá trị văn hóa bản địa hay kiến trúc của từng vùng miền, gắn với thiên nhiên thì chắc chắn sẽ không mang được tính bền vững”. Do đó, địa phương cần tiếp tục mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng gắn với gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn.
Song song đó, cần phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như du lịch trải nghiệm trên sông Quế Sơn gắn với giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc; xây dựng ban quản lý giám sát mô hình du lịch cộng đồng đã được hình thành, tổ chức định hướng, tập huấn nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân tham gia phát triển du lịch.
Tiềm năng du lịch ở Khuổi Ky vẫn còn rất dồi dào, do đó cần được khai thác, phát huy đúng hướng.
“Nếu phát triển du lịch không gắn với giá trị văn hóa bản địa hay kiến trúc của từng vùng miền, gắn với thiên nhiên thì chắc chắn sẽ không mang được tính bền vững”.
Ông Lương Văn La, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trùng Khánh