Làm xanh những con kênh đen

Bài 1: Những dòng kênh “chết”
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến kênh Tham Lương- Bến Cát-rạch Nước Lên được kỳ vọng hồi sinh khi thành phố triển khai dự án cải tạo và chỉnh trang.
Tuyến kênh Tham Lương- Bến Cát-rạch Nước Lên được kỳ vọng hồi sinh khi thành phố triển khai dự án cải tạo và chỉnh trang.

Xử lý ô nhiễm kênh rạch, kết hợp chỉnh trang đô thị nhằm nâng cao chất lượng sống của hàng triệu người dân thành phố là một trong những Chương trình trọng điểm gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đề ra trong những nhiệm kỳ qua. Song kết quả trên thực tế vẫn còn hạn chế so với kỳ vọng, bởi hình ảnh những dòng kênh đen, hôi thối, đầy rác thải hằng ngày vẫn “neo” theo cuộc sống của hàng chục nghìn hộ gia đình.

Trong khi chờ triển khai những dự án “dài hơi”, hằng ngày trên nhiều tuyến kênh, người dân thành phố vẫn sống chung với ô nhiễm. Có hộ gia đình đã ba đời “bám trụ” trên những dòng kênh và câu hỏi khi nào người dân được “đổi đời” cũng chính là trăn trở của chính quyền địa phương.

Ăn vội chén cơm trong cái nóng buổi trưa oi bức, ông Nguyễn Văn Dũng, ở gần cầu Bùi Đình Túy, khu phố 2, Phường 12, quận Bình Thạnh cho biết: “Tôi chạy xe ôm nhưng nắng quá nên về nhà ăn bữa cơm trưa nhân tiện trú nắng.

Thế nhưng, nước kênh cạn trơ bốc mùi hôi không sao chợp mắt được”. Trong căn nhà sàn gỗ vách tôn chừng 30m2 của gia đình ông Dũng, thì hai cánh cửa sổ đóng kín vì mùi hôi, có mỗi cửa phía sau nhà bếp để trống, nhưng chồng vỏ dừa trôi lềnh bềnh che kín gần một nửa.

Ông Dũng chỉ tay ra cửa sổ căn bếp cho biết, lúc ông về đây ở năm 1990, đằng sau nhà, nước rạch Lăng vẫn còn xanh lắm. Thế rồi hằng ngày mọi người đổ vỏ dừa, bao ni-lông, chuột chết, cái gì cũng vứt xuống làm cho rạch ngày càng ô nhiễm, hôi thối.

Phường 12 cùng với sáu phường khác của quận Bình Thạnh với gần 1.800 hộ dân sống quanh bờ kênh, chạy dọc theo rạch Xuyên Tâm gần như “ăn, ngủ” cùng dòng kênh đen.

Xuất phát từ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè ở quận Bình Thạnh chảy đến sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, tuyến rạch Xuyên Tâm cũng là trục thoát nước chính của nhiều khu dân cư thuộc hai quận này nhưng từ lâu bị người dân sinh sống chung quanh lấn chiếm. Lòng kênh còn bị bồi lắng bởi bùn đất, rác thải khiến dòng chảy bị tắc nghẽn, ngập nước và ô nhiễm.

Quận 8 là một trong những địa phương có nhà nằm trên kênh, rạch nhiều nhất thành phố với hàng nghìn căn nằm dọc theo hai bờ Kênh Đôi, kéo dài từ cầu chữ Y đến cầu Nguyễn Tri Phương.

Bà Nguyễn Thị Lành (nhà số 35, lô 10, Phường 4) dùng chiếc áo mưa che tạm phần tôn bị mục cũng là “vách tường” của căn nhà lót ván, bên dưới chống cừ tràm. Nước thải từ tắm giặt, nấu nướng, hệ thống vệ sinh nhà bà Lành cũng như những căn nhà bên cạnh đều “đẩy” thẳng xuống kênh. Bên dưới dòng kênh đen quánh, rác tấp cao gần cột cừ của nhà bà.

Bà Lành kể: “Tôi ở đây đã 50 năm rồi, từ lúc lập gia đình rồi sinh con và giờ thêm đứa cháu. Ở riết cũng quen, chung quanh bốn bề là... rạch, mùa triều cường có khi nước dâng lên đến sàn nhà”.

Tương tự, ghi nhận dọc tuyến kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên (đi qua bảy quận, huyện), cũng là tuyến kênh dài nhất thành phố dù đã được nạo vét nhưng lòng kênh ngày càng bồi lắng, nước thải, chất thải... vẫn hằng ngày đổ xuống kênh khiến nó “chết dần”.

Ông Hồ Văn Hoàng, một hộ dân sinh sống ở khu phố 6, đường Quang Trung, Phường 14, quận Gò Vấp chia sẻ: Dự án cải tạo chỉnh trang tuyến kênh này vừa được thành phố khởi công tháng trước. Người dân mong sao công trình hoàn thành, mùi hôi khó chịu như hiện giờ không còn nữa.

Ông Nguyễn Y Nhã, Bí thư Đảng ủy Phường 12, quận Bình Thạnh cho biết: Người dân dọc rạch Xuyên Tâm rất nóng lòng mong muốn thành phố sớm triển khai dự án cải tạo tuyến rạch này vì liên quan đến hệ thống tiêu thoát nước của cả quận và liên quận, giúp giảm ô nhiễm môi trường và cải tạo cảnh quan đô thị.

Các bộ phận của phường đang chuẩn bị tổ chức họp lấy ý kiến trong hệ thống chính trị về công tác triển khai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, nhất là mong muốn sớm tổ chức họp mặt lấy ý kiến các hộ dân bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, theo ông Nhã, do chưa có các văn bản pháp lý như ranh dự án, ranh đất thu hồi cho nên chưa thể triển khai công tác bồi thường. Trong khi đây là dự án rất thiết thực liên quan đến đời sống người dân cho nên cần phải khẩn trương triển khai.

Chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh, rạch kết hợp chỉnh trang đô thị là chủ trương hợp lòng dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Song, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, thậm chí “đứng yên” vì thiếu nguồn vốn và cơ chế kêu gọi đầu tư.

Bí thư Quận ủy Bình Thạnh Vũ Ngọc Tuất cho biết, từ khi có chủ trương đầu tư dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đến nay đã gần 20 năm. Đây là dự án dân sinh, cải thiện môi trường sống, nhất là làm sạch dòng kênh rất cấp bách đối với hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp.

Dự án đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua và ghi vốn ngân sách cho nên cần triển khai sớm. Quận đang chờ thành phố xác định ranh dự án, tổ chức khảo sát hiện trạng, thực hiện công tác giải tỏa, đền bù...

Theo Ủy ban nhân dân Quận 8, quận có gần 6.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch, tại bờ nam kênh Đôi cần di dời sớm. Hiện trạng hầu hết là nhà tạm, khu vực kênh, rạch rất ô nhiễm và không bảo đảm điều kiện sống.

Theo ông Trần Thanh Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 8, trong giai đoạn 2015-2020, quận triển khai thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven các tuyến sông, kênh, rạch bằng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và ngoài ngân sách.

Trong đó, hai dự án sử dụng vốn ngân sách là: Bờ bắc kênh Đôi; Rạch Nhảy-Ruột Ngựa và chỉnh trang bảy tuyến kênh, rạch. Dự án bờ nam kênh Đôi sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách. Tuy nhiên, đến nay, tất cả các dự án này đều chậm tiến độ.

Từ năm 2015 đến nay, Ủy ban nhân dân Quận 8 đã phối hợp các sở, ngành của thành phố tổ chức mời gọi nhà đầu tư. Song, đây là những dự án có quy mô lớn, khối lượng bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều nhưng các chỉ tiêu quy hoạch chưa thu hút doanh nghiệp, cho nên đến nay chưa tìm được nhà đầu tư cho dự án chỉnh trang.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, thành phố sẽ hoàn thành bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh, rạch với số vốn ngân sách khoảng 18.073 tỷ đồng.

(Còn nữa)