Kỳ vọng cao, thách thức lớn tại COP27

Dư luận quốc tế kỳ vọng các nước, nhất là các nước phát triển, sẽ nâng cam kết hành động tại Hội nghị cấp cao lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27). Kỳ vọng cao, song thách thức cũng rất lớn, trong đó vấn đề tài chính được dự báo sẽ nổi lên là chủ đề hóc búa trong các cuộc đàm phán về khí hậu sắp tới.
0:00 / 0:00
0:00
(Nguồn: Reuters)
(Nguồn: Reuters)

Ngay trước thềm COP27, Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 nước thành viên với tổng lượng khí phát thải đứng thứ 3 trên thế giới nỗ lực huy động các quốc gia phát thải chính đề ra những mục tiêu tham vọng hơn trong các hành động khí hậu.

Trong văn bản công bố sau hội nghị các bộ trưởng khí hậu EU tại Luxembourg hôm 24/10, các nước thành viên Liên minh Cờ xanh kêu gọi tăng cường nỗ lực toàn cầu để đạt được các mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Mục tiêu hiện tại của EU là giảm 55% mức phát thải ròng vào năm 2030, so với mức phát thải năm 1990 và giới chức EU cam kết sẽ nâng mục tiêu sớm nhất có thể.

Đáng chú ý, EU đã nhất trí ủng hộ đưa vấn đề tổn thất và thiệt hại vào chương trình nghị sự của COP27, thảo luận về các biện pháp bồi thường liên quan những thiệt hại vì lũ lụt, nước biển dâng và những tác động khác do biến đổi khí hậu gây ra với các nước nghèo nhất trên thế giới.

Trong nhiều năm qua, đây vẫn là nội dung gây nhiều tranh cãi và việc các bộ trưởng EU nhất trí đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của COP27 có thể được coi là bước đột phá.

Các nước đang phát triển liên tục gây sức ép để các nền kinh tế phát thải nhiều nhất thế giới dần từ bỏ quan điểm phản đối những yêu cầu bồi thường trong các trường hợp thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu. Nhiều nước đề xuất COP27 thiết lập một quỹ hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như Pakistan, quốc gia Nam Á hứng chịu lũ lụt lịch sử khiến khoảng 1.700 người chết trong năm nay, hay như các nước vùng Sừng châu Phi, nơi hứng chịu các đợt hạn hán kinh hoàng.

Tại COP27, các nước khu vực Mỹ Latin và Caribe cũng dự kiến sẽ tìm kiếm các khoản bồi thường thiệt hại từ thiên tai, bởi dù phát thải ở mức thấp, song khu vực này lại nằm trong số những nạn nhân chịu tổn hại nhiều nhất do biến đổi khí hậu.

Năm 2009, các nước giàu lần đầu đưa ra cam kết đóng góp khoản tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho quỹ cứu trợ khí hậu, nhằm giúp các nước nghèo giảm phát thải và thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đến nay, mục tiêu này vẫn bị bỏ lỡ. Tại COP26, diễn ra ở Anh năm 2021, các nước thừa nhận khó đạt được mục tiêu này trước năm 2023. Trong văn bản mới nhất trí sau hội nghị tại Luxembourg, các bộ trưởng khí hậu EU chỉ bày tỏ hy vọng đạt được mục tiêu nêu trên vào năm 2023.

Trong khi đó, các chuyên gia nhiều lần nhấn mạnh, con số 100 tỷ USD mỗi năm chỉ là mức tối thiểu để xây dựng lòng tin trong các cuộc đàm phán về khí hậu. Đặc phái viên của Tổng thống Ai Cập tại COP27 cho rằng, thế giới cần thu hút hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ tài chính khí hậu toàn cầu, trong đó cần cân nhắc đến những ưu tiên của các nước đang phát triển vốn chịu tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu.

Một nhóm chuyên gia cấp cao đang tích cực chuẩn bị bản báo cáo về tài chính khí hậu phục vụ COP27 cho biết, họ đang theo dõi những "lỗ hổng" lớn nhất liên quan tài chính khí hậu, xác định nguyên nhân và đề xuất các khuyến nghị để huy động nguồn tài chính cần thiết.

Giới phân tích cho rằng, các cuộc đàm phán tại COP27 càng căng thẳng hơn trong bối cảnh hàng loạt thách thức gay gắt và phức tạp đang nổi lên trên thế giới, từ xung đột leo thang tại Ukraine đến suy thoái kinh tế, khủng hoảng năng lượng… Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Ai Cập, Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry kêu gọi thế giới tập trung vào "mối đe dọa hiện hữu" mà nhân loại phải đối mặt là biến đổi khí hậu, tránh bị chệch hướng mục tiêu bởi các cuộc xung đột và khủng hoảng quốc tế hiện nay.