Ai Cập vừa tiếp nhận chức Chủ tịch COP27 từ Anh. Hội nghị năm ngoái ở Glasgow (Scotland) đã kết thúc với việc gần 200 quốc gia tham dự hứa hẹn sẽ tăng cường các cam kết khí hậu của mình trong năm nay. Các nước giàu cũng đã khiến nhiều người thất vọng tại Galsgow khi nói rằng sẽ không giải ngân 100 tỷ USD/năm từ năm 2020 đến 2023 như đã cam kết để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi năng lượng và thích ứng với một thế giới đang ấm lên.
Vì vậy, ông Aboulmagd cho biết việc giải ngân nguồn tiền trên sẽ là một trong những ưu tiên của Ai Cập tại COP27, diễn ra từ ngày 7-18/11 tới ở Sharm el-Sheikh. Ngoài ra, nước này cũng muốn tập trung bảo đảm các quỹ về thiệt hại riêng, tức là các khoản đền bù cho các nước dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu đã phải chịu những điều kiện thời tiết cực đoan.
Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Aboulmagd cho biết: “Có nhiều vấn đề thuộc về lợi ích và ưu tiên đối với các nước đang phát triển. Và là một nước đang phát triển, chúng tôi rất hy vọng các vấn đề này được đưa ra bàn thảo và đạt tiến bộ tương xứng tầm quan trọng của chúng”.
Tuy nhiên, ông Aboulmagd cho biết thêm rằng Ai Cập sẽ tìm cách dung hòa giữa các nước phát triển và đang phát triển, vốn đang xung đột trong các vấn đề như lượng khí thải CO2 và tài trợ chống biến đổi khí hậu, nhằm biến các cam kết thành hành động.
Theo đại diện của Ai Cập, nước này đang phối hợp để khởi động khoảng 17 sáng kiến tình nguyện trong các lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm và quản lý nước, với hy vọng khơi dậy các ý tưởng và hành động để giúp các nước thực hiện cam kết của mình. Ai Cập đã điều chỉnh mục tiêu cập nhật của mình về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, còn gọi là đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC).
Để thúc đẩy sự tiếp cận và đại diện toàn cầu tại COP27, Ai Cập đã tìm cách đẩy nhanh việc công nhận các tổ chức xã hội dân sự tại châu Phi. Ông Aboulmagd hy vọng rằng các nhà hoạt động môi trường sẽ đóng vai trò mang tính xây dựng.