Hội Gióng ở Đền Phù Đổng là một "Kịch trường dân gian" rộng lớn với các vai diễn, đạo cụ, trang phục, nghi thức đều mang tính biểu tượng nghệ thuật độc đáo và đặc sắc, tích hợp hàng loạt các giá trị văn hóa tiêu biểu, tạo nên sức hấp dẫn cho lễ hội. Điển hình là vai các "ông Hiệu" (Hiệu Cờ - tượng trưng Thánh Gióng, Hiệu Trống, Hiệu Chiêng, Hiệu Trung quân, Hiệu Tiểu cổ); hệ thống tướng lĩnh của Ông Gióng, đội quân chính quy; Phường "Ải Lao", "Làng áo đỏ","Làng áo đen" và 28 Cô tướng tượng trưng cho 28 đạo quân xâm lược của nhà Ân…
Giá trị nổi bật toàn cầu của Hội Gióng thể hiện ở chỗ, là một hiện tượng văn hóa được bảo tồn, lưu truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ. Hội Gióng còn có vai trò liên kết cộng đồng và chứa đựng nhiều ý tưởng sáng tạo, thể hiện khát vọng đất nước được thái bình, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Với những giá trị nổi bật đó, ngày 16-11-2010, tại Kenya - châu Phi, đại biểu của 21 nước thành viên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã bỏ phiếu ghi danh Hội Gióng ở Đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm và Đền Sóc, huyện Sóc Sơn (Hà Nội, Việt Nam) là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".
Sau 10 năm được UNESCO ghi danh là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại", thực hiện những cam kết của Chính phủ với UNESCO, huyện Gia Lâm đã nghiên cứu, đánh giá các giá trị về kiến trúc, không gian, giá trị văn hóa, lịch sử của Hội Gióng và Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng. Huyện thành lập Ban quản lý Đền Phù Đổng; phối hợp các nhà khoa học, nghiên cứu kiểm kê hiện vật, dập dịch văn bia và các tư liệu hán nôm; tư liệu hóa Hội Gióng bằng chữ, bằng hình ảnh; phát hành các ấn phẩm, phim ngắn có phụ đề tiếng Anh tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin. Đồng thời, cắm hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn di sản, du lịch; thực hiện mã nhận diện di sản thông qua hệ thống QR Code. Hằng năm, UBND huyện tổ chức tốt Hội Gióng, bảo tồn đầy đủ các nội dung, không gian hành hội.
Đồng thời, huyện Gia Lâm cũng đầu tư tu bổ tôn tạo các hạng mục trong khu di tích bị xuống cấp như: Đình Hạ Mã, Đền Mẫu, Chùa Kiến Sơ, Bãi Soi Bia, di chuyển trụ sở UBND xã Phù Đổng ra vị trí khác tạo cảnh quan, không gian cho khu di tích và không gian thực hành Hội; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình phụ trợ, trồng cây xanh…với tổng mức đầu tư gần 72 tỷ đồng.
Cũng tại buổi lễ, Huyện ủy, UBND huyện Gia Lâm đã đón nhận quyết định công nhận xã Phù Đổng đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; quyết định công nhận làng nghề cây cảnh hoa giấy Phù Đổng; khánh thành dự án tu bổ, tôn tạo Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm khẳng định: Với niềm tự hào của quê hương Phù Đổng Thiên Vương, với mong muốn và khát vọng viết tiếp trang sử vàng truyền thống của địa phương; huyện Gia Lâm nói chung, xã Phù Đổng nói riêng sẽ xây dựng và triển khai khai kế hoạch đầu tư xây dựng xã Phù Đổng trở thành Nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch. Huyện cũng phấn đầu xây dựng Phù Đổng trở thành "Điểm du lịch" của thành phố Hà Nội vào năm 2021, sản phẩm đặc trưng chính là du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, du lịch sinh thái. Đồng thời, tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị to lớn của hội, hệ thống di sản văn hóa của Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng gắn với xây dựng các tour, tuyến du lịch, kết nối với các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm và các điểm du lịch lân cận tại các quận, huyện trong địa bàn thành phố; tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên...
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu và nhân dân xã Phù Đổng cũng được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc và tham quan trưng bày các gian hàng giới thiệu sản phẩm truyền thống của huyện Gia Lâm.