Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tính đến giữa tháng 7/2024, cả nước ghi nhận 35.277 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 4 trường hợp thiệt mạng; số mắc giảm 1,3 lần, tử vong giảm 7 ca so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, số ca mắc đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Cả nước cũng ghi nhận 34.645 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, dù chưa ghi nhận ca tử vong, nhưng số ca mắc tăng gấp 1,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Ðối với một số bệnh dự phòng bằng vắc-xin, như: sởi, phát ban nghi sởi, bạch hầu, ho gà... từ đầu năm 2024 đến nay cũng đang có diễn biến phức tạp.
Thống kê cho thấy, cả nước ghi nhận 6 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 1 trường hợp thiệt mạng. Cụ thể, tỉnh Hà Giang ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong các tháng 1, 2 và 4/2024, tại các ổ dịch cũ (ở các huyện Mèo Vạc, Ðồng Văn, Yên Minh); tỉnh Nghệ An ghi nhận 1 trường hợp mắc và tử vong (huyện Kỳ Sơn); tỉnh Bắc Giang ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh (huyện Hiệp Hòa), đều có tiếp xúc gần trường hợp tử vong của tỉnh Nghệ An.
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan qua đường hô hấp, có thể dẫn đến tử vong, cho nên Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương chủ động kiểm soát, ngăn chặn, không để căn bệnh này lây lan, bùng phát.
Bệnh ho gà hiện đang có xu hướng gia tăng tại một số địa phương, như Thừa Thiên Huế, Hà Nội... Sau hơn 10 năm, bệnh ho gà xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, với 5 ca nghi ngờ, trong đó có 2 ca kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn ho gà.
Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, tỷ lệ mắc ho gà có xu hướng tăng, phần lớn tập trung ở trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Nguyên nhân chủ yếu là do việc gián đoạn trong cung ứng các vắc-xin của Chương trình tiêm chủng mở rộng trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc.
Nhiều trường hợp trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi vắc-xin là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh có thể dự phòng bằng vắc-xin, trong đó có ho gà. Ngoài ra, tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh của một bộ phận người dân cũng làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại cộng đồng.
Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, cả nước hiện đang trong thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều; đồng thời cũng đang trong cao điểm du lịch hè năm 2024 cho nên nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm càng có điều kiện gia tăng. Do vậy, để chủ động triển khai công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè năm 2024, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo chính quyền các cấp và huy động các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ ngành y tế triển khai các giải pháp phòng chống dịch trên địa bàn; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương, đơn vị về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn mình phụ trách.
Bộ Y tế yêu cầu sở y tế và các đơn vị y tế địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; thực hiện cách ly, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; phối hợp chặt chẽ các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh; triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn, hiệu quả; rà soát tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vắc-xin phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.
Các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm tốt thu dung, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân, các biện pháp chống nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo tại cơ sở khám, chữa bệnh và cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về các biện pháp phòng lây nhiễm cho người bệnh và người chăm sóc; đồng thời tiến hành rà soát, bảo đảm sẵn sàng công tác hậu cần, thuốc, thiết bị y tế đáp ứng phòng chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh; tác nhân gây bệnh; các biện pháp xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực và chăm sóc người mắc bệnh.
Ðối với bệnh bạch hầu, các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần triển khai ngay các chỉ đạo theo công điện ngày 13/7 của Thủ tướng Chính phủ trong công tác giám sát, phát hiện, xử lý sớm ổ dịch; tổ chức tiêm chủng vắc-xin, điều trị để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người bệnh; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu theo khuyến cáo của ngành y tế.
Các cơ quan chức năng hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời; bảo đảm hậu cần, thuốc, vắc-xin, thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng chống bệnh bạch hầu theo phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng chống bệnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Với các bệnh sởi, ho gà, ngành y tế các địa phương tập trung theo dõi, giám sát nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh để có các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn, không để dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng; tiếp tục duy trì công tác tiêm chủng, rà soát các trường hợp chưa được tiêm chủng, tiêm chưa đủ mũi để tổ chức tiêm bù, tiêm vét theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trong trường hợp hoãn tiêm, đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể. Người dân tại nơi có dịch chấp hành nghiêm việc uống thuốc điều trị phòng bệnh và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế. Trường hợp tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc phải thông báo ngay cho cán bộ y tế sở tại.
Bộ Y tế lưu ý người dân không để tâm lý hoang mang, tiếp nhận thông tin sai lệch từ các phương tiện thông tin không chính thống, không tự ý tiêm vắc-xin. Trong trường hợp cần thiết, cần liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh, bảo đảm thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, đúng liều, đúng thời điểm cũng như an toàn, hiệu quả phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng nơi mình sinh sống.