Nhu cầu sử dụng ống hút nhựa vẫn tăng lên tại các nhà hàng, quán ăn, quán cà-phê, quán nước… do giá rẻ, chỉ vài chục nghìn đồng/bịch 100 ống hút nhựa. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dịch vụ mua đồ ăn, đồ uống trực tuyến qua mạng trở nên phổ biến. Việc đặt món và giao đồ ăn, thức uống tận nơi nở rộ đã phần nào khiến lượng rác thải nhựa, trong đó có ống hút nhựa tăng lên đáng kể… gây sức ép rất lớn lên công tác xử lý môi trường.
Theo Kế hoạch số 3098/KH-UBND ngày 29-7-2019 của UBND thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2021, các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp phải có kế hoạch cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Đặc biệt, không dùng ly nhựa, ống hút nhựa... sử dụng một lần trong tất cả hoạt động hằng ngày của cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế, tại các hội nghị, hội thảo, cuộc họp. UBND thành phố cũng yêu cầu đưa nội dung giáo dục về tác hại của chất thải nhựa, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn vào chương trình giảng dạy ở các cấp học nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa, ống hút nhựa. Điều đáng mừng là hiện nay, có rất nhiều giải pháp thay thế ống hút nhựa được các nhà sản xuất đưa ra thị trường để phục vụ người tiêu dùng như: ống hút kim loại, ống hút cỏ, ống hút tre, ống hút giấy, ống hút gạo… Thống kê cho thấy, nhiều siêu thị lớn ở TP Hồ Chí Minh không còn kinh doanh ống hút nhựa. Đơn cử, tại Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), các hệ thống bán lẻ gồm: Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smiles… đã ngừng kinh doanh ống hút bằng nhựa, chuyển sang kinh doanh các mặt hàng ống hút làm từ giấy, gạo. Saigon Co.op còn tiếp tục phát triển các mặt hàng thân thiện môi trường như: ống hút, đũa, muỗng, đĩa… làm bằng gỗ; ống hút bằng giấy, inox, bột cỏ.
Tại TP Hồ Chí Minh, có một trào lưu của giới trẻ và người tiêu dùng ủng hộ những nhà hàng, quán ăn hay các quán cà-phê “nói không”, tẩy chay dùng ống hút nhựa, hộp đựng thức ăn bằng nhựa. Thay vào đó, là sử dụng các “sản phẩm xanh” thân thiện với môi trường như ống hút làm từ giấy, tre, gạo hay từ rau, quả… Tuy nhiên, để những “sản phẩm xanh” được sử dụng phổ biến rộng rãi, nhiều ý kiến cho rằng, cần sự hỗ trợ cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp (DN). Trong đó, ưu đãi thuế cho DN để giảm giá thành “sản phẩm xanh” bảo vệ môi trường. Ngược lại, phải nâng mức thuế đối với sản phẩm ống hút nhựa gây hại môi trường…
Những việc tưởng chừng như nhỏ bé, từ ý thức không sử dụng ống hút bằng nhựa, chuyển sang dùng các ống hút có nguồn gốc hữu cơ đã góp phần tạo thói quen “tiêu dùng xanh”. Xu hướng “tiêu dùng xanh” chắc chắn sẽ chiếm ưu thế, giúp cho công tác xử lý rác thải ngày càng hiệu quả hơn, giúp bảo vệ môi trường sống ngày càng tốt hơn.