Không để đứt gãy nguồn cung xăng, dầu

Từ sáng 31/10 đến nay, tại nhiều cửa hàng bán lẻ xăng, dầu, người dân lại ùn ùn xếp hàng đổ xăng, dầu. Nhiều người phải chạy xe mãi mới tìm thấy cửa hàng còn bán, nhưng có lúc chỉ được đổ 30 đến 50 nghìn đồng. Tập trung đông nhất là các cửa hàng của Petrolimex, Sài Gòn Petro nhờ duy trì ổn định nguồn cung. Xăng, dầu không chỉ thiếu hụt ở ngoại thành mà cả trong khu vực nội thành gây phiền toái cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00

Theo Sở Công thương thành phố, thời gian gần đây, đặc biệt từ ngày 1/10 đến nay, một số cửa hàng kinh doanh xăng, dầu gián đoạn bán hàng do tạm hết mặt hàng xăng hoặc dầu. Từ ngày 23/10 đến 27/10, trung bình có từ 9-10% số cửa hàng kinh doanh xăng, dầu tạm hết hàng. Ngày 1/11, toàn thành phố có 108 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu thiếu xăng, chiếm khoảng 20% số cây xăng toàn thành phố, chủ yếu ở địa bàn Quận 12, Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, Củ Chi. Nguyên nhân, do các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu ở vùng ven thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nhỏ, không kinh doanh theo chuỗi, kênh bán lẻ cho nên chưa bảo đảm nguồn cung.

Thực tế, việc gián đoạn cung ứng xăng, dầu tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra từ đầu năm đến nay chưa có giải pháp hiệu quả để khắc phục. Tại cuộc họp báo gần đây, lãnh đạo Sở Công thương thành phố chia sẻ, thời gian qua, Sở đã làm hết trách nhiệm của mình trong công tác kiểm tra, giám sát tình hình phân phối, kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn; đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bảo đảm nguồn cung xăng, dầu; tổng hợp gửi tất cả các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đến các bộ, ban, ngành liên quan. Thế nhưng, những nỗ lực của Sở là chưa đủ. Trên thực tế, việc khắc phục tình trạng đứt gãy nguồn cung ứng xăng, dầu vẫn gặp không ít khó khăn, chưa có chuyển biến rõ nét.

Nguyên nhân căn bản gây thiếu hụt nguồn cung xăng, dầu là do các doanh nghiệp gặp khó khăn nhập khẩu xăng, dầu do một số quốc gia có chính sách tăng mua tích trữ. Mặt khác, một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu trong nước chưa bảo đảm nguồn vốn tín dụng để nhập đủ nguồn xăng, dầu thiếu hụt. Gốc rễ của tình trạng thiếu hụt cung xuất phát từ chi phí giá thành nhập khẩu xăng, dầu về nước gồm: Chi phí premium nhập khẩu (khoản doanh nghiệp đầu mối phải trả cho nhà cung cấp trong hợp đồng nhập khẩu), chi phí vận chuyển… tăng cao hơn quy định nhưng không được điều chỉnh phù hợp khiến các doanh nghiệp nhập khẩu đang bị lỗ. Doanh nghiệp siết lại "hoa hồng" cho các đại lý bán lẻ, thậm chí không có hoa hồng nên càng bán lại càng lỗ. Chưa kể, quy định chu kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu 10 ngày như hiện nay cũng được xem là quá dài khi giá xăng, dầu thường xuyên biến động, gây nhiều rủi ro cho doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu.

Những cơ chế quản lý xăng, dầu lúng túng, bất hợp lý hiện nay sẽ tiếp tục gây bất ổn nguồn cung xăng, dầu trong nước. Ðiều đáng nói, các bộ: Công thương, Tài chính hiện vẫn chưa có quyết sách kịp thời để tháo gỡ "điểm nghẽn" nguồn cung xăng, dầu. Giải pháp cấp bách hiện nay là cơ quan quản lý cần điều chỉnh các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng, dầu theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí nhập khẩu và kinh doanh xăng, dầu để tránh lỗ. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần hướng dẫn các đầu mối, các thương nhân phân phối nguyên tắc phân chia khoản chi phí định mức trong từng khâu để bảo đảm công bằng trong phân chia lợi nhuận, chấm dứt tình trạng chiết khấu 0 đồng; hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu; đồng thời, rút ngắn hơn chu kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu so với thời hạn 10 ngày như hiện nay để hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp.