Không có điện thoại di động trong lớp học và những tín hiệu tích cực

Việc quản lý sử dụng điện thoại di động của học sinh trong các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được triển khai rộng khắp và đem lại những tín hiệu khả quan. 
0:00 / 0:00
0:00
Không sử dụng điện thoại trong trường học, các em học sinh giao tiếp với nhau nhiều hơn trong giờ ra chơi, giờ sinh hoạt tập thể.
Không sử dụng điện thoại trong trường học, các em học sinh giao tiếp với nhau nhiều hơn trong giờ ra chơi, giờ sinh hoạt tập thể.

Em Nguyễn Hà Anh, học sinh lớp 12 trường Trung học phổ thông Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) cho biết, việc cấm sử dụng điện thoại được áp dụng với tất cả các lớp học trong trường.

Hằng ngày, sau khi các bạn vào lớp, lớp trưởng có nhiệm vụ thu điện thoại của các bạn và cất vào tủ. Điện thoại chỉ được trả lại cho các bạn vào cuối tiết 5, trước khi tan trường.

Hà Anh cho biết, các em cũng nhận thức được việc mang điện thoại vào lớp sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng tập trung học tập nên các em đã chủ động nhắc nhau thực hiện quy định này.

“Sau mỗi dịp hè thói quen sử dụng điện thoại không kiểm soát ở nhà khiến cho việc quản lý điện thoại trong nhà trường sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên khi quy định đã đi vào nền nếp, thì chúng tôi nhận thấy các em trò chuyện với nhau nhiều hơn trong thời gian ra chơi. Số học sinh chơi thể thao nhiều hơn, văn hóa đọc trong nhà trường cũng được đẩy mạnh. Quan trọng nhất là tình cảm, sự gắn bó giữa học sinh với nhau khăng khít hơn rất nhiều, bởi các em không bị điện thoại chi phối”, thầy giáo Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa) chia sẻ.

Nhận thấy rõ những ảnh hưởng không tốt tới khả năng tập trung học tập của học sinh nếu để các em sử dụng điện thoại di động trong lớp, tuy nhiên vẫn phải bảo đảm thông tin liên lạc luôn được kết nối trong trường hợp cần thiết, trường Trung học cơ sở Thái Thịnh đã bố trí khu vực đặt điện thoại bàn để học sinh có thể liên lạc với gia đình khi có việc cần và mỗi cuộc gọi đều được khi vào sổ nhật ký điện thoại của nhà trường. Cách làm này đã được trường triển khai vài năm nay và nhận được sự ủng hộ từ cả phía giáo viên và phụ huynh học sinh.

Không có điện thoại di động trong lớp học và những tín hiệu tích cực ảnh 2

Trường trung học cơ sở Thái Thịnh bố trí khu vực đặt điện thoại bàn để học sinh có thể liên lạc với gia đình khi có việc cần.

Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông cho phép học sinh từ ngày 1/11/2020 được sử dụng điện thoại trong lớp phục vụ việc học tập nhưng phải được giáo viên đồng ý. Với quy định này, học sinh có thể mang điện thoại thông minh vào trường học với mục đích hỗ trợ tra cứu tài liệu, kết nối nhóm làm bài tập, sử dụng các phần mềm tiên tiến để bổ trợ việc học…

Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng điện thoại thông minh trong thời gian học tập tại trường đang được giáo viên cảnh báo tiềm ẩn nhiều yếu tố liên quan công tác quản lý, dẫn đến giảm chất lượng giáo dục.

Không có điện thoại di động trong lớp học và những tín hiệu tích cực ảnh 3

Học sinh Trường trung học cơ sở Thái Thịnh trong giờ sinh hoạt tập thể.

Tình trạng học sinh thiếu tương tác với nhau, không kết nối với các hoạt động giáo dục chung ngoài lớp học, lười vận động, do chỉ chăm chú vào điện thoại trong những giờ nghỉ giải lao khiến giáo viên lo ngại.

Bên cạnh đó, việc sử dụng điện thoại không văn minh, gây mâu thuẫn trên mạng xã hội dẫn tới những hành vi bạo lực học đường đang gia tăng mạnh cũng ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sư phạm.

Trước những bất cập này, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên đưa ra quy định về việc quản lý, sử dụng điện thoại trong nhà trường trong tháng 10/2024.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị tùy điều kiện thực tế, Ban Giám hiệu và các giáo viên quản lý điện thoại và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên (quản lý theo từng lớp học) và gửi lại điện thoại, thiết bị thu, phát sóng cho học sinh sau giờ tan trường, tan lớp.

Với quy định thống nhất này, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai đồng loạt và nhận được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh. Cách làm này đã lan tỏa tới nhiều Sở Giáo dục và Đạo tạo tỉnh, thành phố khác.