Thực hiện nghiêm học đường không điện thoại

Trong bữa cơm trưa nơi công sở, chị Hoài kể chuyện hôm qua con trai chị bị cô giáo chủ nhiệm thu giữ chiếc điện thoại thông minh (smartphone).
0:00 / 0:00
0:00

Chồng chị mới “nâng đời” điện thoại, nên cho con trai chiếc máy cũ, “để tiện liên hệ khi đưa đón, hay con phải ở lại trường dọn vệ sinh hay có việc đột xuất...”. Con trai chị Hoài vừa dùng được vài ngày, thì bị thu giữ.

- Không lo mất điện thoại đâu vài hôm cô giáo sẽ trả - chị Dung nói, vẻ như có kinh nghiệm.

- Vâng, mất thì không sợ mất - chị Hoài nói - Nhưng học sinh lớp 7 rồi, cho con mang điện thoại tới trường để bố mẹ còn dễ quản lý con.

Chia sẻ của chị Hoài cũng là “nỗi lòng” của một số phụ huynh khi nhà có điều kiện đồng thời cũng muốn dễ liên lạc với con, nhất là những buổi chiều phải ngóng đợi con giờ tan học. Với các vị phụ huynh này, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GD&ĐT về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học cũng chỉ quy định: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Thế nhưng, năm học này, một số địa phương, trong đó có Hà Nội, đã có quy định về việc học sinh không được mang điện thoại tới trường. Trường con chị Hoài học cũng đã phổ biến quy định về việc học sinh không được mang điện thoại tới trường. Đầu năm học, phụ huynh đã phải ký cam kết và nếu học sinh vi phạm, nhà trường sẽ thu điện thoại đến cuối năm mới trả lại.

Tuy nhiên, cách áp dụng quy định cấm học sinh mang điện thoại tới lớp vẫn chưa được tiến hành triệt để ở tất cả các trường học, và cũng “không có mẫu số chung”. Hiện ở một số trường áp dụng cách, vào đầu giờ sáng, học sinh nào mang điện thoại tới lớp thì phải để vào một chiếc thùng, cán bộ lớp có nhiệm vụ giám sát việc này.

Thực tế, cách làm nào cũng có những mặt ưu - nhược. Tùy theo góc nhìn để “phán xét”. Song nếu nhìn rộng ra, thì không phải ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia trên thế giới đã phải áp dụng triệt để việc nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học. Tiện ích của điện thoại thì ai cũng có thể chỉ ra. Nhưng đối với học sinh phổ thông, qua nghiên cứu cũng như thực tế đã cho thấy, nếu có chiếc điện thoại trong tay, thì đa số học sinh sẽ xao nhãng việc học hành. Các em sẽ cắm cúi suốt ngày với chiếc điện thoại, bởi ở đó có mạng xã hội, có những hội nhóm tán gẫu, có các trò giải trí, thậm chí xem những trang web không lành mạnh. Và khi điện thoại là vật “bất ly thân” thì giờ ra chơi các em sẽ ngồi lại trong lớp, cắm cúi trong “thế giới riêng với chiếc điện thoại”.

“Tổng kết” nho nhỏ gần đây ở một trường học tại Hà Nội cho thấy, khi nhà trường cấm sử dụng điện thoại, các em học sinh xuống sân trường chơi nhiều hơn. Điều đó không chỉ giúp các em tăng cường vận động mà còn giúp tăng cường các tương tác thực tế, kết nối bạn bè, về lâu dài sẽ tránh được một số bệnh học đường như cận thị, cong vẹo cột sống hoặc thậm chí là trầm cảm.

Vì thế, trong vô vàn những cái cấm, thì cấm học sinh mang điện thoại tới trường, vẻ như cực đoan nhưng rất cần phụ huynh ủng hộ. Không chỉ là ủng hộ một chủ trương, không chỉ là ủng hộ nhà trường, mà còn cần ủng hộ vì sức khỏe tinh thần lâu dài của chính con em mình.